9 tháng đầu năm: FLC báo lãi giảm 19% so với cùng kỳ, vay nợ tài chính tăng 2,2 lần so với đầu năm

(SHHT) - Lũy kế 9 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu của FLC tăng hơn 50% lên mức 17.818 tỷ đồng, tuy nhiên, do các chi phí đều tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn mang về chỉ đạt hơn 186 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2017.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu của FLC tăng hơn 50% lên mức 17.818 tỷ đồng, tuy nhiên, do các chi phí đều tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn mang về chỉ đạt hơn 186 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2017. Không những thế, nợ phải trả, đặc biệt là vay và nợ thuê tài chính của Tập đoàn đã tăng lên mức 4.916 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với đầu năm.

 

Mới đây, CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trong Quý III vừa qua, doanh thu thuần của Tập đoàn ghi nhận 2.370 tỷ đồng, tăng 8,8% so với Quý III/2017. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng cao, khiến lợi nhuận gộp giảm tới 30,8% xuống mức 212,4 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 8,9%, trong khi cùng kì năm ngoái đạt 14,1%.

Bên cạnh hoạt động bán hàng thì hoạt động tài chính của FLC mang về kết quả khả quan hơn, khi doanh thu tăng 48,1% lên 178,7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính ở mức 57,6 tỷ đồng, giảm 7,5%. 

Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 40% lên 115,5 tỷ, cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 32,2% xuống 83,2 tỷ đồng, tuy nhiên tổng hai loại chi phí này không thay đổi nhiều so với Quý III, vào khoảng 200 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của FLC ghi nhận 114,8 tỷ đồng, giảm 14,7%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 83,4 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng Quý III/2017.

 Nguồn: BCTC hợp nhất Quý III/2018 FLC

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FLC đạt 7.818 tỷ đồng, tăng 50,2%. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa tăng 2,17 lần, mang về cho FLC 3.901 tỷ đồng, trong khi, hoạt động kinh doanh bất động ghi nhận gần 3.250 tỷ đồng, tăng 12,2% và doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 666 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí liên quan, lợi nhuận sau thuế của FLC chỉ còn lại 186,1 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2017.

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, FLC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả này, sau 9 tháng đầu năm, FLC đã hoàn thành gần 61% kế hoạch doanh thu và thực hiện 33,2% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến ngày 30/9/2018, FLC có tổng tài sản đạt mức 26.271 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm, trong đó, hàng tồn kho hiện đang ở mức 1.198 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ phải trả của Tập đoàn lại tăng mạnh 22,8% so với đầu năm lên mức 17.533 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu của FLC hiện nay. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng 15,4% lên 13.258 tỷ đồng, nợ dài hạn tăng 53,6% lên 4.274 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, giá trị vay và nợ thuê tài chính của FLC tăng gấp 2,25 lần so với đầu năm lên mức 4.916 tỷ đồng, trong đó có khoản vay bằng USD trị giá 692,25 tỷ đồng từ ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ).

 Nguồn: BCTC hợp nhất Quý III/2018 FLC

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản FLC vay Credit Suisse chi nhánh Singapore ngày 4/6/2018, số tiền vay 30 triệu USD, lãi suất thả nổi tính theo công thức lãi suất Libor + 5%. Thời gian vay 27 tháng kể từ ngày giải ngân, kỳ thanh toán lãi đầu tiên sau 3 tháng kể từ ngày giải ngân, kỳ thanh toán gốc đầu tiên sau 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Khoản vay được dùng để tài trợ vốn cho các dự án FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Garden City và FLC Twin Towers.

Ánh Phượng