Mark Zuckerberg có thể bị tước vị trí chủ tịch kiêm CEO Facebook?

(SHTT) - Bốn nhà đầu tư của Facebook đang tìm cách thay thế Mark Zuckerberg bằng một nhà quản lý độc lập.

Sau vụ bê bối Cambridge Anatalyca và mới đây là vụ hacker cuỗm mất dữ liệu của 29 triệu người dùng Facebook, nhiều áp lực đã đổ lên đầu ông chủ Facebook. Một số công quỹ đang nắm cổ phần Facebook đã hậu thuẫn một chiến dịch nhằm "đá bay" Mark Zuckerberg khỏi vị trí chủ tịch kiêm CEO Facebook.

Những quan chức tài chính đến từ Illinois, Rhode Island, Pennylvania và ông Scott Stringer, Giám đốc kiểm toán của thành phố New York đã đồng lòng nộp đơn yêu cầu Mark từ chức chủ tịch hội đồng quản trị. Họ đã đổ tiền vào Facebook thông qua quỹ đầu tư Trillium Asset Management hồi tháng 6.

Bản đề xuất trên yêu cầu Facebook thay thế chủ tịch hội đồng quản trị mới trong kỳ họp thường niên vào tháng 5/2019.

“Facebook đóng vai trò quan trọng trong xã hội và kinh tế. Họ có trách nhiệm xã hội và minh bạch tài chính. Vì vậy chúng tôi yêu cầu sự độc lập và trách nhiệm trong các cuộc họp”, Stringer yêu cầu vai trò CEO và chủ tịch hội đồng quản trị của Facebook phải được nắm giữ độc lập.

 Nhờ nắm 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết, Mark Zuckerberg sẽ mãi ở vị trí chủ tịch hội đồng.

Trước đó năm 2017, một cổ đông cũng đưa ra đề xuất tương tự nhưng bị phủ quyết ngay sau đó. Bởi tại Facebook, quyền kiểm soát cổ phiếu nằm trong tay Mark Zuckerberg một cách toàn diện (khoảng 60%), do vậy, mọi lá đơn yêu cầu xem xét vị trí của Mark đều trở nên vô nghĩa. Mặc dù vậy, theo thủ quỹ bang Rhode Island - ông Seth Magaziner, việc làm trên cho phép họ tạo ra các cuộc đối thoại nhằm gây áp lực lên người đứng đầu Facebook.

Giá cổ phiếu tại Facebook sau ngày hôm qua hiện ở mức 159,42 USD, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu Facebook đã dần phục hồi sau vụ bê bối Cambridge Anatalyca và đạt đỉnh 217,5 USD sau phiên điều trần của Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu Facebook đã giảm tới 26,7%.

Kim Dung