Đầu tư FDI trong ngành BĐS tại Việt Nam và những điểm nhấn pháp lý cần quan tâm

(SHTT) - Đó là nội dung của buổi hội thảo tổ chức tại TPHCM vào sáng ngày 23/9/2018, do Truyền hình Pháp Luật Việt Nam tổ chức, được chủ trì bởi báo Pháp Luật Việt Nam. 

Nội dung hội thảo gồm 4 chủ đề chính. Đó là: Pháp lý chung về dự án bất động sản (BĐS) trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại VN; Đầu tư vốn, huy động vốn  và cơ chế tài chính của các doanh nghiệp (DN) FDI trong ngành BĐS tại VN; Các trở ngại chung thường gặp của DN FDI trong hoạt động đầu tư BĐS tại VN; So sánh sự khác biệt giữa các dự án BĐS của DN FDI và dự án BĐS của DN trong nước.

 Quang cảnh hội thảo

Theo ý kiến của các luật sư tại hội thảo, BĐS là một trong những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này đang bị hạn chế bởi khá nhiều quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể là phạm vi kinh doanh BĐS hẹp hơn so với các NĐT trong nước, giới hạn về số lượng nhà ở được sở hữu (Nghị định 99 ban hành ngày 20/10/2015 quy định chi tiết hơn một số nội dung về vấn đề này), hạn chế số tiền thu trước khi mua bán BĐS hình thành trong tương lai và đặc biệt là rủi ro có thể bị thu hồi dự án.

 Trên thực tế, nhiều NĐT dự án BĐS đã không thể hoàn thành dự án theo đúng thời hạn và bị thu hồi đất. Nguyên nhân của sự việc này là do NĐT còn gặp phải nhiều vấn đề khó khăn về thủ tục hành chính và việc không đạt được thỏa thuận với người dân khi tiến hành đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng.

 Vấn đề đáng chú ý là hầu hết dòng vốn FDI BĐS vào Việt Nam đều đến từ các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Trong khi đó, các NĐT đến từ châu Âu, Mỹ khá dè dặt với thị trường BĐS Việt Nam.

Một trong những rào cản thu hút vốn FDI vào Việt Nam là vấn đề luật pháp và minh bạch thông tin. Tới đây, khi Luật Kinh doanh BĐS được chỉnh sửa và cơ chế minh bạch một đơn vị quản lý thông tin được kỳ vọng sẽ giúp vốn FDI vào lĩnh vực này nhiều hơn.

 Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM – cho biết: Năm 2017, vốn FDI vào BĐS chỉ ở mức 3 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn này đã đạt hơn 5,5 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, nguồn vốn FDI vào BĐS lên đến 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký là lĩnh vực đầu tư đứng hàng thứ 2 chỉ sau cơ khí, công nghệ. Đây là tin hiệu của sự khởi sắc cho thị trường BĐS Việt Nam.

Nguồn vốn FDI không chỉ đổ vào lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng, mà đã và đang dịch chuyển vào nhiều lĩnh vực khác như văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở và hạ tầng đô thị. DN nước ngoài ồ ạt gia nhập thị trường Việt Nam, giúp địa ốc được bổ sung vốn, kinh nghiệm, tính cạnh tranh và đa dạng sản phẩm.

Hiện nay, vốn FDI từ Nhật Bản đang cạnh tranh với nguồn vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam với nhiều dự án "khủng". Tại TP. Hồ Chí Minh, các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group đã tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào BĐS.

PV