3.500 năm trước, phụ nữ đã thử thai như thế nào?

(SHTT) - Mới đây, các nhà khoa học đã giải mã được một tài liệu cổ của người Ai Cập, trong đó là phần văn bản ghi lại phương pháp thử thai bằng nước tiểu của phụ nữ thời bấy giờ.

 Cho tới thời hiện đại như bây giờ, thử thai bằng nước tiểu vẫn là biện pháp được sử dụng phổ biến nhất. Và chắc chắn, ít ai ngờ được rằng ngay từ 3.500 năm trước đây, những người phụ nữ Ai Cập cổ cũng đã biết cách thử thai bằng nước tiểu thông qua những vật liệu tự nhiên không mấy ai ngờ tới. 

Theo kết quả của cuộc nghiên cứu tới từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch, các nhà khoa học đã giải mã được thông tin trên một tờ giấy cói có niên đại khoảng 3.500 năm cho thấy phụ nữ Ai Cập cổ đại đã thử thai bằng cách đi tiểu vào một túi lúa mạch và một túi lúa mỳ.

Phần giải mã nội dung văn bản cổ viết tờ giấy cói có niên đại từ thời New Kingdom, khoảng 1500 và 1300 trước Công nguyên được đăng lên CNN như sau: "Chỉ cần một trong 2 túi hạt nảy mầm chứng tỏ người phụ nữ đó đang có mang. Nếu hạt lúa mạch nảy mầm thì sẽ sinh con trai. Nếu lúa mỳ nảy mầm thì sẽ sinh con gái. Nếu cả hai túi hạt đều không nảy mầm thì người phụ nữ đó không mang thai".

Văn bản cổ ghi lại biện pháp thử thai của phụ nữ Ai Cập  vào 3.500 năm trước đây. 

Hình thức thử thai này cũng không phải là không có cơ sở khoa học. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Medical History, vào năm 1963, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hình thức thử thai này và thấy 70% các mẫu nước tiểu của những người phụ nữ mang thai khiến hạt giống nảy mầm.

Có thể chính lượng estrogen trong nước tiểu của người phụ nữ là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Thông thường khi phụ nữ mang thai, lượng estrogen sẽ tăng cao, kích thích hạt giống nảy mầm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có xác xuất đúng cao khi áp dụng thử thai, việc loại hạt giống nào nảy mầm sẽ không thể khẳng định được giới tính của thai nhi trong bụng mẹ. 

Minh An