Lần đầu tiên Việt Nam có Viện sĩ Viện Hàn lâm Quốc tế về Chất lượng

(SHTT) - Viện Hàn lâm Quốc tế về Chất lượng (IAQ) vừa phối hợp với Hội Chất lượng Mỹ tổ chức hội nghị “Thế giới về Chất lượng và Cải tiến” tại thủ đô Washington, với hơn 3.500 đại biểu của 45 quốc gia tham dự.

Hội nghị đã thảo luận về chất lượng 4.0, rủi ro và thay đổi, xây dựng và duy trì văn hóa chất lượng, những nguyên tắc chất lượng trong kỷ nguyên số…

Viện trưởng IAQ Elizabeth Keim trao quyết định và huy hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Quốc tế về Chất lượng cho TS. Ngô Văn Nhơn

Tại hội nghị lần này, người Việt Nam đầu tiên là Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM, Viện trưởng Viện Kiểm định và phát triển chất lượng TPHCM, Ủy viên Hội Chất lượng châu Á, đã được phong hàm viện sĩ Viện Hàn lâm Quốc tế về Chất lượng và huy hiệu IAQ. Để trở thành Viện sĩ IAQ, ông phải trải qua một quy trình xem xét nghiêm ngặt kéo dài trong ba năm và phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có ít nhất 15 năm tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và thực hành chất lượng ở quê nhà và quốc tế; có ít nhất 30 bài viết khoa học được đăng ở các tạp chí uy tín và hội nghị, hội thảo quốc tế; được sự giới thiệu của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chất lượng; được sự bảo trợ của 3 chuyên gia chất lượng hàng đầu thế giới; được Hội đồng xét chức danh của IAQ xem xét và bỏ phiếu thừa nhận ông đủ tiêu chuẩn làm Viện sĩ.

IAQ là một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về chất lượng, có nhiệm vụ phát triển các ngành khoa học chất lượng và thúc đẩy phổ biến trên toàn cầu. Mục tiêu của IAQ là “Chất lượng cho nhân loại”, mang lại chất lượng tiên tiến trên toàn thế giới vì lợi ích của nhân loại.IAQ tập trung ưu tiên vào nhu cầu kinh tế xã hội cơ bản của các quốc gia.

IAQ cố gắng mở rộng áp dụng triết lý, nguyên tắc và phương pháp quản lý chất lượng, đồng thời phát triển các phương pháp mới để giải quyết các vấn đề về môi trường, bảo tồn, y tế và giáo dục.

Tính đến tháng 5 năm 2018, IAQ có 134 viện sĩ đại diện cho 37 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, châu Á có 45 viện sĩ, chiếm 1/3 số lượng viện sĩ của IAQ. (Đứng đầu là Nhật Bản: 11, Trung Quốc: 10, Ấn Độ: 7, Singapore: 2, Phillipine: 2, Thái Lan: 1 và Việt Nam: 1).

Kim Dung