Tài xế Honda City tử vong do lỗi túi khí Takata

(SHTT) - Mới đây lại xảy ra một trường hợp tử vong do lỗi túi khí Takata. Trường hợp này xảy ra trên xe Honda City và đang được điều tra làm rõ.

Theo thông tin được đăng tải trên Reuters, vụ việc đau lòng trên xảy ra với tài xế chiếc Honda City 2004 tại Kuala Lumpur. Đây được coi là vụ tai nạn chết người thứ 23 trên toàn thế giới liên quan đến bộ phận thổi túi khí, có thể khiến văng các mảnh kim loại khi bung. Trong số đó, có đến 19 vụ liên quan đến xe Honda, 13 vụ xảy ra tại Mỹ, 5 vụ xảy ra tại Malaysia, và một vụ xảy ra tại Úc.

Cụ thể, túi khí Takata sử dụng hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi rất nguy hiểm trong bơm túi khí. Do túi khí Takata bị lỗi, khi bung sẽ gây nổ mạnh làm mảnh vỡ kim loại găm vào người trên xe.

Được biết, chiếc Honda City trong vụ tai nạn vừa qua có nằm trong danh sách triệu hồi năm 2015 nhưng chủ xe đã không mang đến đại lý để sửa chữa, gây ra tai nạn thương tâm.

 Tài xế Honda City tử vong do lỗi túi khí Takata

Reuters cũng cho biết dù rất nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra do lỗi túi khí, các chủ xe đã ý thức được điều này nhưng có tới hơn 65% xe trong diện triệu hồi vẫn chưa được sửa chữa. Số lượng xe triệu hồi khổng lồ có thể khiến một số chủ xe phải chờ ít nhất 6 tháng do thiếu linh kiện và không đủ nhân công được huấn luyện để lắp túi khí, theo cảnh báo của Tổ chức người tiêu dùng Australia (Choice).

Vào năm 2017, Honda cũng đã triệu hồi hơn 245.000 xe tại Trung Quốc vì lỗi túi khí Takata. Các mẫu xe bị triệu hồi gồm Accord, Fit, City, Crosstour và Everus S1.

Tại Trung Quốc, túi khí Takata bị lỗi có mặt trên hơn 20 triệu xe, phần nhiều trong số này đã và đang được triệu hồi. Honda đạt thỏa thuận dàn xếp vụ kiện liên quan đến túi khí bị lỗi trên hàng triệu chiếc xe ở Mỹ bằng 605 triệu USD.

Honda đã cùng với Nissan, Toyota, BMW, Mazda và Subaru thỏa thuận giải quyết vụ kiện, thay thế túi khí bị lỗi của Takata và đền bù cho chủ xe. Nhiều mẫu xe Honda như Civic, Accord và CR-V sản xuất từ năm 2001 cũng bị ảnh hưởng trong bê bối lỗi túi khí.

Bên cạnh vụ việc gian lận khí thải diesel gây rúng động, vấn đề túi khí Takata đã dẫn đến vụ triệu hồi ô tô lớn nhất trong lịch sử. Vào tháng 2 năm 2017, Takata đã nhận tội gian lận để che giấu lỗi và phải trả khoản tiền phạt 1 tỷ USD. Công ty này đã đệ đơn xin phá sản vào tháng 6/2017. Điều này có nghĩa là Takata sẽ không hoàn trả chi phí cho các nhà sản xuất ô tô lớn mặc dù nhà sản xuất túi khí Nhật Bản đã tạo ra quỹ trị giá 875 triệu USD vào tháng 1 năm nay.

Vân Anh (t/h)