Uống nước rửa tay, hàng ngàn trẻ em nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật

(SHTT) - Một báo cáo mới của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết từ năm 2011 đến 2014 có tới 70.000 trẻ em được đưa đến điều trị ở các cơ sở y tế sau khi uống phải nước rửa tay.

Nước rửa tay là một sản phẩm quen thuộc trong nhiều gia đình. Nhiều người nghĩ rằng nên có một chai nước rửa tay ở trong nhà để giữ cho con họ tránh khỏi mầm bệnh.

 

Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đưa ra của CDC cảnh báo một khía cạnh rất nguy hiểm của việc sử dụng nước rửa tay: “Vài năm gần đây, hàng ngàn trẻ em dưới 12 tuổi phải nhập viện điều trị các vết thương do cồn gây ra sau khi uống nhầm nước rửa tay. Các phản ứng tồi tệ nhất đã xảy ra ở 8000 trẻ em dưới 5 tuổi, 5 trẻ đã hôn mê, 3 trẻ co giật, 2 trẻ ngừng thở”.

Báo cáo còn cảnh báo thêm: “Nhiều trẻ đã bị viêm kết mạc, đau dạ dày, nôn mửa, hôn mê và phát ban trên da”.

Báo cáo được đưa ra sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra kết luận nước rửa tay không tốt hơn xà phòng vì có chứa cồn thậm chí có thể gây hại cho làn da. Tuy nhiên báo cáo này cũng nhấn mạnh chúng ta không nên coi điều này như một lý do để ngừng sử dụng sản phẩm rửa tay vì nó có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.

Các nhà sản xuất cũng cảnh báo các bậc cha mẹ cần thận trọng khi đưa cho con mình nguyên một chai nước rửa tay. Họ cho biết: "Nước rửa tay là những sản phẩm có hiệu quả, không đắt tiền lại có thể làm giảm các vi sinh vật trên da, nhưng việc uống chúng hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây ra những nguy hại về sức khoẻ”.

Các chuyên gia cho biết nhiều chất khử trùng tay có chứa ethanol hoặc rượu isopropyl từ 60% đến 95% thường có hương thơm hấp dẫn trẻ nhỏ. Bởi vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng như không gây ra những rủi ro liên quan, trẻ nhỏ nên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.

        Tạ Hiền