Báo động: 90% người dân hít thở không khí ô nhiễm nặng, 7 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm

(SHTT) - Theo kết quả nghiên cứu về ô nhiễm không khí hạt mịn ở gần 110 quốc gia do Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra, mỗi năm có 7 triệu người chết do ô nhiễm và đặc biệt cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người đang phải hít thở không khí có nồng độ ô nhiễm cao

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thu thập dữ liệu không khí từ hơn 4.300 thành phố và 108 quốc gia trong giai đoạn 2008 - 2015. Trong báo cáo công bố hôm 1/5, mỗi năm thế giới có 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí, theo CNN.

Báo cáo của WHO cho thấy mọi ngóc ngách trên toàn thế giới đang đối mặt với ô nhiễm không khí, tuy nhiên ô nhiễm ở các nước nghèo tồi tệ hơn. Mức ô nhiễm ngoài trời cao nhất tập trung ở những nước vùng Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến ít nhất bảy triệu người chết mỗi năm. Tiến sĩ Tedros Adhanom, giám đốc của WHO, cho biết: “Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả chúng ta, nhưng những người nghèo nhất thường chịu thiệt thòi nhất".

 

Nghiên cứu nêu rõ, 9 trong 10 người tiếp xúc với mức ô nhiễm không khí cao có thể bị ung thư hoặc các bệnh về tim mạch. Những khu vực ô nhiễm không khí ở mức cao nhất là phía đông Địa Trung Hải và các nước Đông Nam Á, với một số khu vực, lượng độc tố trong không khí cao gấp 5 lần giới hạn cho phép của WHO. Người nghèo cũng là đối tượng dễ tổn thương nhất của tình trạng này.

Ô nhiễm không khí không chỉ xuất hiện tại các thành phố đông dân cư, với nền công nghiệp phát triển. Khoảng 3 tỷ người trên khắp thế giới đang chịu nguy hiểm từ khói phục vụ nấu nướng và các đám cháy. Ô nhiễm không khí có nguồn gốc từ nhà bếp gây ra cái chết của 3,8 triệu người trong năm 2016.

Người dân châu Á và châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hơn 90% số ca tử vong ở khu vực này có liên quan tới không khí ô nhiễm. Peshawar và Rawalpindi ở Pakistan, Varanasi và Kanpur ở Ấn Độ, Cairo ở Ai Cập là những đô thị có nồng độ ô nhiễm cao nhất. Một số thành phố ở Mỹ, châu Âu và phía đông Địa Trung Hải cũng có nồng độ ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn của WHO.

Theo Hướng dẫn Chất lượng Môi trường Không khí của WHO, giới hạn trung bình quan trắc định kỳ cho các hạt vật chất có đường kính dưới 2.5 micromet (PM2.5) là 10 μg/m3,ở dạng này hoặc nhỏ hơn thì các hạt vật chất đó có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra những rủi ro lớn đối với sức khỏe con người.

Loại hạt li ti tồn tại trong không khí gồm có những chất như sulfat, nitrat và cacbon đen, được tạo ra chủ yếu bởi xe hơi và xe tải lưu thông trên đường, các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện và nông nghiệp. Năm 2016, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 4,2 triệu người tử vong. 

"Kết quả của nghiên cứu mới này đã gây ấn tượng mạnh mẽ, giúp cả thế giới thức tỉnh trước tác động vô cùng lớn của ô nhiễm không khí trên toàn cầu", theo Kevin McConway, một giáo sư về số liệu thông kê ứng dụng tại Đại học Mở, London.

Các chuyên gia gợi ý, mỗi người dân có thể thực hiên nhiều việc để giảm ô nhiễm không khí tại địa phương như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng thay vì lái xe riêng. Hạn chế đi ra ngoài khi mức độ ô nhiễm không khí tăng cao. Các thiết bị lọc không khí trong nhà cũng hữu ích với việc giảm mức độ ô nhiễm.

Hải Long