Những thương hiệu Việt vang bóng một thời lại sa lầy, thua lỗ

(SHTT) - Giày Thượng Đình, sá xị Chương Dương, kem Tràng Tiền hay Thủy Tạ đều là những thương hiệu lớn trước khi lâm vào cảnh khó khăn ở hiện tại.

"Ông hoàng sá xị" Chương Dương mới báo lỗ trong quý I, tiếp nối tình cảnh khó khăn của năm trước. Doanh nghiệp từng làm mưa làm gió trên thị trường đồ uống có ga đang vật lộn với công nghệ sản xuất từ những năm 2000 còn thị trường đã tràn ngập những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Chương Dương từng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2013-2017 tăng trưởng doanh thu bình quân 10-15% mỗi năm. Tuy nhiên, qua mỗi năm công ty lại giảm dần chỉ tiêu bởi sức ép cạnh tranh khi các hãng nước giải khát nước ngoài xâm chiếm thị phần nội địa.

 

Thương hiệu sá xị hơn 40 năm tuổi quyết định thay đổi bằng chính sách giảm giá sản phẩm và tăng chiết khấu thương mại cho nhà phân phối. Nhưng ban lãnh đạo công ty thừa nhận việc này chỉ mang lại tác dụng tích cực trong ngắn hạn là hoàn thành chỉ tiêu sản lượng và lợi nhuận, nhưng chưa đủ giúp công ty phát triển ổn định và bền vững.

Trong khi đó, báo cáo tài chính năm 2017 của giày Thượng Đình vừa công bố cho thấy kết quả kinh doanh tiếp tục không mấy khả quan khi báo lỗ gần 14 tỷ đồng. Những năm trước, dù không lỗ, thương hiệu từng đứng đầu thị trường giày dép vẫn cầm cự được mức lãi 1-2 tỷ đồng.

 

Không chỉ vậy, báo cáo tài chính này còn bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, do không thể xác định nhiều yếu tố trọng yếu. 

Thay vì trông chờ mảng kinh doanh cốt lõi là giày dép, công ty đang nhìn vào điểm tựa là bất động sản. Giày Thượng Đình đang sở hữu khá nhiều vị trí đất đẹp, trong đó có phần diện tích nhà xưởng nằm quận Thanh Xuân, Hà Nội với diện tích hơn 36.000 m2.

Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này kể từ khi lên sàn chứng khoán đến nay đã giảm gần 80% với tình trạng mất thanh khoản kéo dài. Điểm níu kéo nhà đầu tư giữ lại cổ phiếu GTD, giờ chỉ trông chờ vào khoản lợi nhuận đột biến nếu di dời nhà máy.

 

Với hai thương hiệu kem đình đám một thời là Tràng Tiền và Thủy Tạ, ký ức của người dân Hà Nội giờ chỉ còn tìm thấy trên những tuyến phố quanh Hồ Hoàn Kiếm. Không chịu cảnh thua lỗ, tuy nhiên kem Thủy Tạ những năm gần đây hầu như không có tăng trưởng. Với ngành kinh doanh có tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10% mỗi năm, không tăng trưởng đồng nghĩa với việc Thủy Tạ mất dần thị phần.

"Giai đoạn 2010-2011, Thủy Tạ từng xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất kem với vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, khi đó phương án khả thi của dự án cũng được thông qua nhưng cuối cùng phải tạm dừng triển khai. Lý do chỉ là không có tiền", ông Bùi Thế Trụ, Trưởng phòng kế hoạch của Thủy Tạ trong lần chia sẻ với PV cho biết. 

Công ty này từng mong muốn tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động kinh doanh với những ưu thế sẵn có, nhưng hiện Thủy Tạ vẫn là công ty Nhà nước do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu trên 51%. Việc tăng vốn với một doanh nghiệp Nhà nước, vốn không phải điều dễ dàng.

Nguyên tắc xác định một tài sản vô hình, có thể hiểu đơn giản là sự chênh lệch hiệu quả gia tăng của doanh nghiệp có thương hiệu so với một doanh nghiệp có quy mô tương đương nhưng không có thương hiệu. Nhưng nếu bản thân những doanh nghiệp này liên tục kinh doanh thua lỗ, sẽ không có nhà đầu tư nào chấp nhận trả giá cao chỉ vì cái tên từng nổi tiếng trong quá khứ.

Hãng phim truyện Việt Nam từng gây xôn xao khi thương hiệu đình đám một thời bị định giá 0 đồng là một ví dụ như thế. Nhà đầu tư, với cách nhìn từ phía người mua, sẽ chỉ trả giá nếu tài sản đó mang lại giá trị.

                                                                 Nguyễn Nhị(t/h)