Nước Hồ Gươm đổi màu do tảo độc: Sẽ xử lý thế nào?

(SHTT) - Mấy ngày gần đây, nước Hồ Gươm bỗng đổi màu xanh bất thường. Theo như lý giải của một số chuyên gia, đây là hiện tượng "nở hoa nước" của vi khuẩn lam.

Được biết, Hồ Gươm vốn còn có tên gọi khác là Hồ Lục Thủy, bởi trong nước hồ có một  một loại tảo lục (tảo xanh) đặc trưng.

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, du khách và người dân Thủ đô phát hiện ven bờ Hồ Gươm xuất hiện màu xanh khác lạ. Một số nhà khoa học lý giải đây là hiện tượng "nở hoa nước" của vi khuẩn lam (tảo lam).

Theo đó, tảo lam lục là một loại tảo độc, chúng hô hấp và thải ra khí CO2, khiến nước thiếu O2 và gây nguy hại đến những loài sinh vật khác sống dưới nước.

Nước Hồ gươm đổi màu do tảo độc. Ảnh: VnExpress 

Liên quan đến hiện tượng trên, chiều 19/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết: Cuối năm 2017, trước khi tiến hành nạo vét, cải tạo môi trường Hồ Gươm, đơn vị này đã lấy nước ở đây mang đi để nuôi cấy một loài tảo lục.

“Không chỉ Hồ Gươm, mà bất kỳ hồ nào sau khi cải tạo môi trường, nạo vét bùn đều có hiện tượng các loài thực vật phù du, rêu, tảo phát triển mạnh. Đồng thời, sau cải tạo, nước trong hồ cũng chưa trở lại màu xanh như cũ, do đó, tuần trước chúng tôi đã cấy loài tảo lục xuống tầng đáy của Hồ Gươm nhằm đưa nước hồ trở lại màu xanh như trước” – đại diện Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết.

Về vấn đề xử lý loài tảo lam nói trên, vị đại diện trên cho biết, đơn vị này đã tiến hành trục vớt thủ công và sau khi loài tảo lục phát triển sẽ dần “tiêu diệt” loài tảo lam.

Vị đại diện này còn khẳng định, tảo lam xuất hiện ở Hồ Gươm như vậy “không đáng ngại”, vì số lượng đang giảm dần, chỉ một thời gian nữa là biến mất.

Minh Ngọc (t/h)