Sản xuất thuốc không phép, Bảo Lâm bị phạt 45 triệu đồng

(SHTT) - Được cấp phép sản xuất và bán mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc làm đẹp da mặt, nhưng Bảo Lâm lại sản xuất và bán sản phẩm khi chưa đủ điều kiện về chất lượng, khiến nhiều người lo ngại.

Ngày 02/4/2018, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ra quyết định số 700/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với ông Nguyễn Hoài An – Chủ cơ sở Bảo Lâm, có địa chỉ kinh doanh tại Phòng 407, Tập thể Thanh Xuân Bắc, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Cơ sở Bảo Lâm ở Phòng 407, Tập thể Thanh Xuân Bắc, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội 

Cơ sở này bị phạt về hành vi: sản xuất thuốc tại cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại điểm d, khoản 4, điều 39 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Với hành vi này, ông Nguyễn Hoài An – Chủ cơ sở Bảo Lâm bị phạt 45.000.000 đồng, đồng thời phải tiêu hủy thuốc hoặc các sản phẩm không phải là thuốc không đảm bảo chất lượng.

 
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở Bảo Lâm

Trước đó, ngày 29/3/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành y tế quận Thanh Xuân do bà Phạm Hồng Diệp – Trưởng phòng Y tế quận dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở chăm sóc da Bảo Lâm ở Phòng 407, Tập thể Thanh Xuân Bắc, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân. Qua kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm kem làm trắng da có gắn nhãn Bảo Lâm, nhiều sản phẩm có tên Cao Tiêu Độc có gắn nhãn “Nhà thuốc gia truyền Bảo Lâm”.

Sản phẩm Cao Tiêu Độc gán nhãn Nhà thuốc Gia truyền Bảo Lâm

Sản phẩm được quảng cáo có tác dụng chuyên trị như thuốc
Kem dưỡng da do Bảo Lâm sản xuất, mới chỉ đăng ký bản quyền về nhãn hiệu chứ không phải sản phẩm độc quyền có chất lượng theo quy định

Trên thực tế, Cơ sở Bảo Lâm chỉ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với nhãn hiệu “Kem dưỡng da Ngọc Tâm – P 407 – E5 – Thanh Xuân Bắc” chứ đó không phải đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Mặt khác, hành vi gắn mác “Nhà thuốc gia truyền Bảo Lâm” để sản xuất, bán sản phẩm “Cao Tiêu Độc” (có tác dụng như thuốc) có dấu hiệu của hành vi kinh doanh trái phép.

Năm 2018, Sở Y tế Hà Nội coi là năm bản lề trong việc lập lại trật tự trong lĩnh vực y – dược. Đây là lời chuông cảnh tỉnh cho những hành vi vi phạm pháp luật, coi nhẹ sức khỏe và sự an toàn tính mạng của con người.

Minh Sơn