Cánh cửa mới mở ra cho công nghệ ô tô chạy bằng nhiên liệu Diesel

(SHTT) - Xe hơi công nghệ mới của Anh chạy bằng nhiên liệu Diesel tự tin có thể loại bỏ 98% khí thải độc hại ra môi trường.

Gần đây, một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Graham Hargrave và chuyên gia Jonathan Wilson, tại trường Đại học Loughborough, Anh đã phát triển một hệ thống mới có tên gọi ACCT. Hệ thống này có thể lọc bỏ các chất khí độc hại từ khí thải của động cơ Diesel trước khi thải ra môi trường.

ACCT là tên viết tắt của công nghệ tạo và chuyển đổi khí Amoniac. ACCT sử dụng Amoniac dạng lỏng để tách các chất trong NOx, sản phẩm sau quá trình phản ứng sẽ còn lại khí Nitơ và nước.

 

Hệ thống đầy hứa hẹn này hoạt động bằng cách chuyển đổi chất AdBlue thành chất lỏng giàu Amoniac trong buồng thải. Nhiệt độ trong buồng thải phải luôn được duy trì ổn định để đạt được hiệu quả lọc khí cao nhất, vì khi nhiệt độ trong buồng thải thấp hơn, hiệu suất chuyển đổi khí thải sẽ thấp hơn.

Các thử nghiệm sơ bộ đã cho thấy rằng công nghệ ACCT có thể loại bỏ tới 98% NOx có trong ống xả.

Nếu công nghệ này được chính thức đi vào lắp đặt, tương lai của các nhà sản xuất xe ô tô động cơ Diesel sẽ trở nên tươi sáng hơn rất nhiều.

 

Giáo sư Hargrave cho biết: “Việc giải quyết khí NOx chỉ là một điểm nhỏ trong vấn đề hạn chế khí thải ô tô ra môi trường, yếu tố quan trọng hơn mà chúng ta cần tập trung hơn đó là việc giảm thiểu khí thải CO2 trong tương lai".

Trên thực tế, nguyên nhân chính khiến xe chạy bằng xăng dầu bị đào thải khỏi thị trường là do các chất khí thải độc hại mà chúng thải ra môi trường. Mức độ NOx cao có trong khí thải của các động cơ chạy bằng nhiên liệu Diesel gây ô nhiễm không khí và các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp con người, thậm chí còn khiến con người mắc phải bệnh Alzheimer.

Hàng năm, khí thải độc hại từ các động cơ Diesel đã góp phần gây ra 40.000 ca tử vong tại Anh.

 Nguyễn Huế