Lễ hội chùa Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai) – Một hiện tượng văn hóa dân gian đặc sắc

(SHTT) - Chỉ với một ngôi chùa Bối Khê, các hình thức lễ cầu mưa đã hội tụ thành một hiện tượng văn hóa dân gian đặc sắc; nguồn hạnh phúc nông nghiệp của cư dân lúa nước, văn hóa cổ truyền Việt đã thể hiện các nghi lễ phong phú đa dạng. Tâm thức dân gian mang nhiều nét đẹp bất ngờ

Không gian thanh tịnh trong chùa Bối Khê ngày thường

Chùa có tên chữ là Đại Bi Tự (nghĩa là ngôi chùa có bia rất lớn), nhưng nằm trên đất làng Bối Khê nên người dân quen gọi là chùa Bối Khê.

Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1338, khi đó thuộc về nhà Trần dưới sự trị vì của vua Trần Hiến Tông. Sau đó, chùa được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Những kiến trúc và hiện vật trong chùa đều vương dấu tích của các thời đại này. 

Chùa Bối Khê được được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt năm 1979, được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam, tọa lạc ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

 Qua một con ngòi có chiếc cầu vắt ngang dẫn đến Tam quan của chùa với kiến trúc ba gian hai tầng tám mái, tầng trên có gác chuông.
Nghi môn chùa Bối hay còn gọi là Ngũ Không môn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, bao gồm 5 cổng phân chia không gian ước lệ như một chiếc cổng làng. 
 Hai quả chuông lớn, đường kính 60 cm, cao 1 m được đúc và treo ở tầng trên cổng tam quan năm Thiệu Trị thứ 4 (1844)
 Chùa có mặt bằng bề thế, được làm theo kiểu “nội công, ngoại quốc”: phía trước là nơi thờ Phật, phía sau là nơi thờ Thánh. Kiểu chùa như vậy thường được gọi là chùa “Tiền Phật, Hậu Thánh”. Hai bên tòa thượng điện còn có hai dãy hành lang bao bọc.
Trong khuôn viên có nhiều cây cổ thụ, vườn hoa cây cảnh xen với các công trình kiến trúc khá đẹp mắt và tôn thêm vẻ u tịch của chốn tu hành. Trên hình là gác chuông của chùa. 
Có thể nhận thấy dấu tích thời Trần khá rõ ở các mảng chạm khắc như đầu bẩy chạm rồng ở hàng hiên. 
Gạch trang trí ở thềm nhà tiền đường chùa là viên gạch mộc đất nung, trên mặt có khắc nhiều hình linh vật. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì đây là vết tích nghệ thuật thời Mạc. 
 Tòa thượng điện, có kết cấu chồng rường giống gác chuông chùa Keo Thái Bình.
Đáng chú ý ở tòa tiền đường là hệ thống cột bằng đá xanh. Trên các cột đá chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa. 
Chùa nằm ngay đầu làng Bối Khê và có cảnh quan đẹp. Trước chùa có một bãi rộng, qua đó mới đến cổng gạch của chùa. 

Lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc

Lễ hội truyền thống chùa Bối Khê được diễn ra từ ngày mùng 10-12 tháng Giêng hàng năm. Chính hội vào ngày 12. Tại đây có các màn rước kiệu, tế lễ và các trò chơi dân gian.

Theo truyền thống, khoảng gần trưa ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm, các thôn trong làng Bối Khê thi đốt pháo. Người ta đạt trên một ngọn cây tre (cao khoảng 15-17m) một khung giấy tròn (đường kính 40-50cm) quét dày thuốc pháo dễ bắt lửa, xung quanh gắn nhiều pháo con và ở giữa có một quả pháo đại. Cách đốt bằng Nhị Thanh hay Thăng Thiên đặt dưới đất, cắt thuốc vừa đủ, sao cho khi châm lửa nó bay lên vừa tới màn than thì nổ, tạo lửa gây cháy màn, rồi dẫn nổ đến pháo con và pháo đại. Mỗi thôn chọn một số người ra đốt pháo, những người này phải hoàn toàn trong sạch, lý lịch rõ ràng, gia đình không có điều xấu, không tang ma… Lệnh gọi cả thôn vào trước, một người trung niên, mặt thành kính bước lên, hai tay nâng chiếc pháo xá dài vào chùa, miệng lầm rầm những lời cầu nguyện, sau đó bước ra, đặt pháo chiếu lên màn than - Ông chỉnh đi chỉnh lại chiếc pháo trong sự hồi hộp của mọi người, giờ quyết định đã tới, ông thổi lửa bùi nhùi, châm vào đóm, tay run run đưa vào ngòi pháo. Một tiếng xèo (hay tiếng nổ) khô khốc, và, chiếc pháo bay lên… Bao con mắt nhìn theo với một thoáng cầu mong. Nếu ngay từ chiếc pháo đầu mà màn than đã cháy nổ, thì được coi là một báo hiệu tốt lành cho cả vùng, còn nếu không thì thôn thứ hai, thôn thứ ba… thay nhau vào đốt, mọi nghi thức được lặp đi lặp lại cho đến khi một thôn nào đó làm cháy được màn than.

Có khi sự việc đốt pháo được quay tới hai ba “vòng” và cuối cùng mọi việc đều tốt đẹp. Cuộc đốt pháo chỉ có người thắng mà không có ai thua, người thắng được dân thôn reo hò công kênh đến trước cửa Phật tạ ơn và lĩnh thưởng. Người ta tin phúc lớn do Thánh ban sẽ đến với mọi nhà trong thôn người đốt được màn than.

“Đệm đàn” cho pháo màn than là pháo tràng và các thứ pháo khác tạo niềm xúc cảm.

Trong chỉnh thể này, hình Rồng tượng trưng cho bầu trời mây với các tia chớp (đao), tiếng trống đồng nhất với tiếng sấm. Tiếng rung vang của trống (sấm) như tạo cho Âm-Dương giao hòa, sinh sôi, vạn vật nảy sinh, phát triển.

Chỉ với một ngôi chùa Bối Khê, các hình thức lễ cầu mưa đã hội tụ thành một hiện tượng văn hóa dân gian đặc sắc. Chỉ với một nội dung cầu mưa, nguồn hạnh phúc nông nghiệp, của cư dân lúa nước, văn hóa cổ truyền Việt đã thể hiện các nghi lễ phong phú đa dạng. Tâm thức dân gian mang nhiều nét đẹp bất ngờ. Giải mã được các nghi lễ cổ truyền để vừa loại bỏ hủ tục vừa phát huy bản sắc dân tộc là điều mà chúng ta luôn nghĩ tới.

Báo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo xin giới thiệu tới độc giả một vài hình ảnh về lễ hội này:

 
 
 Rước kiệu Thánh từ Đình Kim về chùa Bối Khê.
 
Trò chơi "Đi cầu khỉ đập niêu", một trong những nét đặc trưng tại lễ hội chùa Bối Khê. 

(Bài viết có sử dụng tư liệu sách Lễ hội cổ truyền Hà Tây, nhiều tác giả, Sở VHTT Hà Tây, 1999)

Thái Quang Trung - Phạm Tài