Thanh Hóa: Am Tiên linh thiêng ngày trẩy hội

(SHTT) - Cách Thành phố Thanh Hóa gần 20 km về phía Nam, Am Tiên là quần thể di tích lịch sử quốc gia nằm trên dãy núi ngàn Nưa thuộc địa phận xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng vạn khách thập phương đến tham quan và du xuân. 

Sáng ngày 24/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng Mậu Tuất), UBND huyện Triệu Sơn phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành đã khai hội đền Nưa – Am Tiên 2018 và kỷ niệm 1770 năm khởi nghĩa Bà Triệu (248-2018).

 
 Các đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống, đánh cồng khai hội. Ảnh: Trần Hằng

Theo tương truyền, di tích lịch sử Am Tiên gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Bà Triệu còn có tên là Triệu Thị Trinh, đã cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt đã kêu gọi nhân dân giương cao ngọn cờ đứng lên đánh giặc cứu nước và cuộc khởi nghĩa được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Bà cùng với các nghĩa sĩ, quân dân đã lập nên những chiến công lừng lẫy, khiến giặc Ngô phải khiếp sợ.

Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như: Gò Đống Thóc, Đồng Kỵ… Trên đỉnh Am Tiên có mạch nước ngầm trong vắt, kỳ lạ thay nước dù ở đỉnh núi nhưng lại không bao giờ cạn, mưa to nước không đầy tràn mà tạo thành một cái giếng rất tự nhiên nên người dân địa phương gọi là Giếng Tiên. Tương truyền Am Tiên từng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực và rèn luyện binh đao. Bởi vậy ngày nay, cứ đến tháng Giêng hàng năm, dòng người dâng hương tưởng niệm lại đổ về đền Nưa - Am Tiên nườm nượp.

Sau nhiều lần khai quật, xác định các di chỉ còn lại và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tháng 3/2009 Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm Núi Nưa, Đền Nưa - Am Tiên là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tháng 8/2011 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của nơi đây gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Con đường dẫn lên Am Tiên luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Otofun Thanh Hoá 

Nằm trên độ cao gần 600m so với mực nước biển, Am Tiên đã được đầu tư làm đường bê tông chạy từ chân núi đến đỉnh núi. Việc mở rộng con đường đã giúp cho du khách thập phương thuận tiện và dễ dàng tới với khu di tích lịch sử bằng các phương tiện xe máy, ô tô. Trước kia khách thập phương chỉ có cách duy nhất là đi leo bộ trên con đường mòn dẫn lên đỉnh núi.

 Hàng năm có hàng vạn khách du lịch về với Am Tiên
 
 
Khách du lịch nước ngoài đến với lễ hội Am Tiên 

Quần thể di tích lịch sử Am Tiên được chia làm nhiều khu vực, đặc biệt, ở một bãi đất rộng trên đỉnh núi Nưa có một huyệt đạo thiêng gọi là “huyệt khí quốc gia”. Ở Việt Nam có 3 huyệt đạo thiêng: Một là núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội; Hai là núi Bà Đen (Tây Ninh); Ba là huyệt đạo ở đỉnh núi Nưa, tỉnh Thanh Hóa). Đây là nơi giao hòa, đắc địa của trời đất. Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và nhân dân các địa phương thường lên đây thắp hương cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Huyệt khí quốc gia trên đỉnh núi Nưa vào hôm sương mờ, ngỡ như lạc vào giữa chốn bồng lai tiên cảnh 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2364/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh Am Tiên. Khu Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh Am Tiên có tổng diện tích xây dựng, quy hoạch là 9,23 ha, bao gồm: Khu hỗ trợ phát huy giá trị di tích, khu tâm linh, khu tưởng niệm, khu giếng tiên, khu trồng rừng tạo cảnh quan, giao thông… với dự toán tổng mức đầu tư khoảng 257 tỷ đồng. 

Với sự quan tâm, đầu tư, quy hoạch của các cấp, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, đến nay lượng khách đến với Đền Nưa - Am Tiên ngày càng tăng cao. Theo ông Phạm Duy Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: năm 2017 lượng khách đến với Khu di tích Am Tiên là trên 30.000 lượt khách, cho thấy giữa các năm liên tục tăng, năm 2016 chỉ có 11.500 lượt khách. Đây cũng là động lực lớn để địa phương cố gắng hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Thanh Đạt