Siêu lợi nhuận từ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả

Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.

Ngày 26/4, tại TP.HCM, Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM và Hội Chống hàng giả của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và Hàng giả (Ban 389) tổ chức tọa đàm "Đồng hành cùng đổi mới, sáng tạo phục vụ sản xuất trách nhiệm - tiêu dùng thông minh".

Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389).

Theo ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), vì siêu lợi nhuận và dễ sản xuất nên việc buôn bán hàng giả ngày càng phổ biến. Trong đó, hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề nổi cộm trong thời gian đây.

"Theo đánh giá của một số tổ chức uy tín trên thế giới, quy mô giao dịch, giá trị giao dịch hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mỗi năm lên tới hàng tỉ USD. Các hoạt động thương mại phi pháp đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thất thu thuế cho Chính phủ, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng", ông Trung nói.

Ông Trung đưa ra 4 nguyên nhân khiến hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến.

Thứ nhất, sản xuất hàng giả hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đem lại lợi nhuận lớn, tương đương hoặc thậm chí lớn hơn nhiều so với buôn bán ma túy. Thứ hai, khoa học công nghệ phát triển cũng dẫn tới công nghệ sản xuất hàng giả đơn giản và tinh vi hơn. Thứ ba, việc bảo vệ thương hiệu bị làm giả của các doanh nghiệp còn bị động. Thứ tư, sự phối hợp chia sẻ thông tin của doanh nghiệp với cơ quan chức năng còn hạn chế, tâm lý e ngại sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, nhãn hiệu.

Ông Trung cũng nêu lên thực trạng, nhiều doanh nghiệp trẻ khi biết sản phẩm bị làm giả nhưng xem như không biết. Bởi lẽ, khi thông báo phát hiện hàng giả, người tiêu dùng dễ chuyển sang sản phẩm tương tự do không biết phân biệt thật giả.

 Ông Huỳnh Đình Nhiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Softworld Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Đình Nhiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Softworld Việt Nam - cho rằng các nền tảng thương mại điện tử cần hỗ trợ người tiêu dùng các thông tin để họ đưa ra lựa chọn và quyết định phù hợp nhất với nhu cầu tiêu dùng, không phải theo hướng kích thích tiêu dùng vô tội vạ.

Theo ông Nhiên, các thuật toán cá nhân hoá và tìm kiếm hiện nay chủ yếu thúc đẩy việc mua sắm nhiều hơn, chưa khai thác ở góc độ tiêu dùng thông minh, đặc biệt trên các trang thương mại điện có nguồn gốc nước ngoài.

Do đó, các công ty công nghệ nội địa cần đầu tư các công cụ hỗ trợ tìm kiếm cho người tiêu dùng nội địa các sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng thông minh, cũng như loại bỏ các đánh giá không trung thực trên các trang thương mại điện tử có nguồn gốc nước ngoài. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho các công cụ phần mềm theo định hướng này.

 Ban tổ chức cùng khách mời chụp hình lưu niệm.

Đối với người tiêu dùng, khi quyết định lựa chọn mua sản phẩm cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm, người bán, thành phần. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu nhiều kênh để biết sản phẩm mình mua là tin cậy; nên mua sản phẩm trên sàn uy tín, công ty uy tín để giảm rủi ro hàng giả, hàng nhái.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 là: "Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung của chúng ta bằng sự đổi mới và sáng tạo".

Theo WIPO, những người tạo ra sự thay đổi trên toàn thế giới đang thúc đẩy những hoạt động đổi mới sáng tạo cần thiết để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 (SDG). Trong đó, sở hữu trí tuệ là trung tâm để giải quyết những thách thức toàn cầu mà con người phải đối mặt và là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng, phát triển của xã hội. Do đó, sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sinh kế và bảo vệ hành tinh.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 là cơ hội để thể hiện vai trò trung tâm của sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo trong việc hướng tới thực hiện các SDG của Liên hiệp quốc vì lợi ích của tất cả mọi người trên toàn thế giới.

Bình Tú