Hà Nội đứng thứ hai về chỉ số thương mại điện tử

(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.

 Theo báo cáo, TP HCM dẫn đầu với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, theo sau là Bình Dương với 51,3 điểm. Đứng thứ tư và năm là Đà Nẵng và Hải Phòng lần lượt với số điểm 47 và 36. Tiếp đến là Đồng Nai và Bắc Ninh có số điểm bằng nhau (30 điểm). Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu đều có số điểm là 28. Hưng Yên đứng vị trí thứ mười trong bảng xếp hạng với 27 điểm.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đối mặt với không ít thách thức, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD.

Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước đó.

 

 Đại diện VECOM nhận định, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%.

Tương phản với sự tăng trưởng nhanh về quy mô là tính không bền vững của thương mại điện tử Việt Nam. Những yếu tố chính của sự không bền vững là khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường.

Điểm trung bình của chỉ số năm nay là 23,1 điểm. Khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành còn lại là rất lớn. Khoảng cách giữa thành phố Hồ Chí Minh so với tỉnh thấp nhất trong bảng xếp hạng là 76,4 điểm.

Đặc biệt, báo cáo năm nay nhấn mạnh tới vấn đề rác thải nhựa từ thương mại điện tử nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng giảm tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Báo cáo tiếp tục chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết ba vấn đề lớn gồm: Khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường.

Ngoài ra, Báo cáo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá hiện trạng, ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến, công nghệ giáo dục và công nghệ y tế.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần phát triển thương mại điện tử tại địa phương.

PV