Tòa Mỹ tái mở vụ kiện 'Tiger King' về bản quyền

(SHTT) - Phiên tòa phúc thẩm đã thay đổi quyết định, gây bất lợi cho Netflix trong vụ kiện vi phạm bản quyền liên quan đến series Tiger King

Trong quyết định mới này, ba thẩm phán tại Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ đã tham khảo từ một vụ án tương tự trước đó của Tòa án Tối cao, liên quan đến vấn đề bản quyền xoay quanh hoạ sĩ Andy Warhol. Gần đây, di sản của Warhol và nhiếp ảnh gia Lynn Goldsmith cuối cùng đã đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Timothy Sepi và công ty của ông, Whyte Monkey Productions, đã kiện Netflix và Royal Goode Productions vi phạm bản quyền khi tự ý sử dụng video của ông trong series Tiger King: Độc Ác và Kinh Hoàng (Tiger King: Murder, Mayhem, and Madness) của Netflix, phát hành vào năm 2020.  

Được biết, ông Sepi đã quay những video này khi làm việc tại Công viên Giải trí Động vật Gerald Wayne, cơ sở thuộc sở hữu của Joseph Maldonado-Passage, hay còn được biết đến với biệt danh Tiger King.

 

Vào tháng 4 năm 2022, tòa án quyết định 7 video không thuộc bản quyền của Sepi theo Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ. Tòa cũng cho rằng việc sử dụng video thứ 8 là hợp lý vì nó được quay sau khi Sepi không còn làm việc tại công viên nữa.

Vụ án đã được đánh giá lại bởi ba thẩm phán,gồm Jerome Holmes, Harris Hartz và Joel Carson. Họ xác nhận quyết định của tòa án đối với bảy đoạn video đầu tiên là chính xác. Tuy nhiên, đối với đoạn video thứ tám, tòa án sơ thẩm đã đánh giá sai khi đưa ra kết luận Netflix có quyền sử dụng tuỳ ý video cho phim của mình.

Luật bản quyền ở Mỹ có một nguyên tắc gọi là "sử dụng hợp lý" (fair use), nhằm khuyến khích tự do ngôn luận bằng cách cho phép sử dụng các tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không cần phải có giấy phép, nhưng trong một số trường hợp cụ thể. Để được đánh giá là hợp lý, luật này yêu cầu bốn điều kiện sau: mục đích và tính chất của việc sử dụng; bản chất của tác phẩm được bảo vệ bản quyền; lượng và tính chất quan trọng của phần được sử dụng; và ảnh hưởng đối với thị trường hoặc giá trị của tác phẩm.

 

Thẩm phán Trưởng Holmes, người phát biểu phán quyết, cho biết dựa trên hướng dẫn gần đây của Tòa Tối cao trong vụ Warhol, tòa án cấp dưới đã sai khi kết luận yếu tố đầu tiên, liên quan đến mục đích và tính chất của việc sử dụng trong video thứ tám.

Yếu tố đầu tiên xem xét việc sử dụng có "biến đổi" không. Tòa án đồng ý với ông Sepi rằng việc phát sóng của Netflix là để kinh doanh và không có biến đổi nội dung so với tác phẩm gốc.

Ông chỉ ra trong vụ Warhol, dù Andy Warhol đã nhắm vào một nhân vật - nghệ sĩ, Prince nhưng tòa án vẫn cho rằng tác phẩm của ông không có nhiều biến đổi, một phần vì Warhol không nhắm vào bức ảnh gốc của Lynn Goldsmith về Prince. Điều này có nghĩa tác phẩm của ông vẫn vi phạm yếu tố bản quyền.

Tòa án phúc thẩm cũng đồng ý với ông Sepi về yếu tố thứ tư - ảnh hưởng đến thị trường hoặc giá trị của tác phẩm. Netflix không thể cung cấp bằng chứng nào cho thấy bộ phim không có ảnh hưởng đến thị trường.

Hiện tại, vụ án đã được chuyển trả lại tòa để tiếp tục các bước pháp lý tiếp theo theo phù hợp với ý kiến này.

Đức Anh