Nâng tầm thương hiệu gạo Việt tại thị trường châu Âu

(SHTT) - Thương hiệu Việt đang dần khẳng định vị trí tại thị trường châu Âu, đây cũng là bước chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam. Từ đó giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao đời sống cho nông dân trồng lúa.

Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng suốt thời gian dài, gạo Việt chỉ được xuất khẩu dưới dạng bao trơn và phân phối dưới thương hiệu đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong nước đã theo đuổi việc xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao và xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng vào những thị trường "khó tính" hàng đầu thế giới, nâng cao vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Năm 2023, ngành lúa gạo đã chạm mốc kỷ lục khi xuất khẩu tới 8 triêu tấn và thu về 4,8 tỷ USD. Nhờ quyết tâm chuyển từ số lượng sang chất lượng, kết quả đạt được năm qua là quả ngọt cho những nỗ lực của nông dân và doanh nghiêp Việt.

 

Từ năm 2024, những túi gạo 1 kg sẽ xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu với mức giá 1,8 - 3 Euro/kg. Dư địa tăng về giá là không nhiều khi gạo giá gạo Việt đã cao hơn gạo Thái và Campuchia. Con đường để hạt gạo mở rộng thị phần là tạo ra sự ổn định về giá và khác biệt về chất lượng.

130 đại lý gạo Việt tại 12 thị trường lớn của châu Âu đã được thiết lập. Sau nhiều nỗ lực, con số 60 - 70% người châu Á sử dụng gạo ST của Việt Nam là cơ sở để tạo sự lan tỏa sang người châu Âu.

Câu chuyện hạt gạo Việt xâm nhập thị trường Châu Âu bằng chính thương hiệu là minh chứng cho thấy bước chuyển mình quan trọng của những người nông dân, doanh nghiệp và điều này đã tạo đà cho những đột phá mới trong năm nay.

Trước đây, gạo Việt bị gắn với hình ảnh chất lượng thấp, bán giá rẻ cho các nước kém phát triển thì nay, bằng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng hạt gạo Việt Nam đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các quốc gia phát triển, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... Chẳng những vậy, Việt Nam đã có những loại gạo ngon không thua kém các đối thủ cạnh tranh và được bình chọn (lần thứ 2) danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” cho giống lúa ST 25.

Hướng đến sự phát triển bền vững, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, thời gian qua, bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp thông qua việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ giới hóa và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn thị trường quốc tế…

Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Minh Thư