Độc đáo du lịch Thọ Xuân - Thanh Hóa

(SHTT) - Thọ Xuân, Thanh Hóa được mệnh danh là vùng đất "địa linh nhân kiệt”, hút khách du lịch gần xa với những nét cổ kính, giàu tính lịch sử của nhiều di tích và vẻ đẹp hấp dẫn của thiên nhiên trù phú.

Với vẻ đẹp thiên nhiên và giá trị văn hóa, lịch sử, Thọ Xuân đã phát triển thành một huyện giàu đẹp và văn minh, hứa hẹn là địa điểm lý tưởng với du khách gần xa. Từ xa xưa, nhân dân cả nước biết đến Thọ Xuân không chỉ là vùng đất lịch sử phát triển lâu đời, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử sôi động, hào hùng của dân tộc, là quê hương của nhiều danh nhân, hào kiệt, đặc biệt là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê đã ngự trị ngai vàng, giữ vững quốc thái dân an, xã tắc thanh bình.

Có thế nói Thọ Xuân là cái nôi linh thiêng của Xứ Thanh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch Văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh. Trên địa bàn huyện có hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 13 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 34 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng. Ngoài ra, di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, ca Trù...

 

Khu di tích Lam Kinh là địa điểm tham quan nổi bật, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người, đặc biệt là các tín đồ yêu sử Việt khi đến Thanh Hóa. Trải dài trên mảnh đất có diện tích lên đến hơn 200 ha, Khu di tích Lam Kinh mang trong mình sự linh thiêng, bởi đây là nơi anh hùng Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lược.

Năm 1430, Lê Thái Tổ quyết định đổi tên Lam Sơn thành Lam Kinh, hay còn gọi là Tây Kinh. Tại đây, có nhiều các kiến trúc điện, miếu và các công trình khác được xây dựng, phục vụ các vị vua Lê nghỉ ngơi và cúng bái tổ tiên.. Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút du khách không chỉ bởi những kiến trúc độc đáo và cổ kính mang đậm chất Á Đông của kinh thành cổ, mà còn bởi những câu chuyện truyền thuyết huyền bí xoay quanh các lăng tẩm của các vị vua thời Hậu Lê. Đây là một địa điểm thuận lợi để khám phá và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

 

 Năm trong quần thể khu di tích, lăng mộ của vua Lê Thái Tổ, còn được biết đến với tên Lê Lợi, nằm trong Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Lăng được xây dựng ngay sau cung điện Lam Kinh, cách xa 50m, là nơi yên nghỉ của vị khai quốc triều Hậu Lê. Các du khách không chỉ đến để tham quan cảnh vật lịch sử, mà còn đến để cúng bái và tỏ lòng biết ơn với vị vua khai quốc Hậu Lê.

 

 Khu đền thờ vua Lê Thái Tổ nằm cách khu di tích Lam Kinh khoảng 150 mét về phía Nam. Đền này được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 20, nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm nhằm tôn vinh vua Lê Thái Tổ. Đây một trong những di tích lịch sử được nhiều khách du lịch ghé thăm khi đến Thọ Xuân, ngoài chiêm ngưỡng kiến trúc, hiện vật ra, du khách sẽ đến cúng bái, cầu mong và tỏ lòng biết ơn với vị vua tài giỏi và thao lược đã bảo vệ sự thái bình cho dân tộc.

Đền thờ Lê Hoàn cũng là một địa điểm thu hút du khách, nằm ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 2018, Đền thờ Lê Hoàn được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đền hiện được xem là ngôi Đền cổ nhất xứ Thanh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay Đền đã được tu bổ, tôn tạo khang trang nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính. 

Đền thờ Lê Hoàn có phong cách kiến trúc của đền thờ truyền thống người Việt và nghi lễ bài trí gắn liền với tâm thức cổ truyền. Giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Đền thờ Lê Hoàn là lối kiến trúc hình chữ Công, có hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chống rường, con nhị, kéo góc theo lối dầm đỡ chống nóc, tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi nhà.

Đền thờ Lê Hoàn còn có những bức chạm thủng, chạm nổi, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố cục chặt chẽ, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa. Đặc biệt, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674-1887, 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, đền thờ Lê Hoàn luôn là nơi hậu thế hướng về, bày tỏ sự thành kính, ngưỡng vọng, tri ân và thực hành các nghi lễ thờ cúng người anh hùng dân tộc, vị vua khai sáng vương triều Tiền Lê. Trong suốt 24 năm trị vì của ông, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc bởi nhiều cải cách được coi là những tiến bộ vượt bậc so với các triều đại phong kiến trước đây. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập quê hương ông.

 

Bên cạnh sự “đồ sộ” về di tích, Thọ Xuân còn là quê hương của nhiều lễ hội, trò diễn dân gian độc đáo và đặc sắc. Trong đó, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trò Xuân Phả là một trong những di sản nổi bật, được xem là “độc nhất vô nhị”. Trò được phát tích từ làng Xuân Phả (xã Xuân Trường), gồm 5 điệu múa: Hoa Lang, Tú Huần, Chiêm Thành, Ngô Quốc và Ai Lao. Mỗi điệu múa đều có những đặc trưng riêng về nội dung, cách thức diễn và lời ca. Bằng tài năng, cảm xúc và niềm đam mê nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông, những người nông dân xã Xuân Trường đã đưa trò diễn Xuân Phả vượt ra khỏi không gian sân khấu làng để tỏa sáng và thăng hoa trên nhiều sân khấu, lễ hội, festival văn hóa lớn của đất nước. Qua đó từng bước đưa trò diễn văn hóa dân gian Xuân Phả đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Văn hóa ẩm thực đặc sản vùng đất “Hai vua” 

 

Đến với Thọ Xuân, du khách còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo, tiêu biểu như Bánh gai Tứ Trụ là loại bánh được dùng để tiến cúng cho vua và chỉ sản xuất trong những ngày lễ, Tết và những dịp quan trọng. Tuy nhiên, do nhu cầu người mua ngày càng tăng, làng nghề đã sản xuất quanh năm để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở bán đặc sản và phục vụ du khách mua về làm quà.

 

Bánh lá răng bừa là một đặc sản gốc từ làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, bánh lá răng bừa chỉ được làm vào những ngày lễ lớn như ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán... Tuy nhiên, ngày nay, người dân trong vùng chế biến món bánh truyền thống này hàng ngày để phục vụ khách du lịch.

 

Nem nướng Thọ Xuân cũng là một đặc sản đậm đà và đặc biệt mà hương vị của nó khiến mọi người khó quên. Tương tự như nem chua, loại nem này có điểm khác biệt là thịt lợn không được xay nhuyễn mà được thái thành lát mỏng trước khi nướng. Những chiếc nem nhỏ gọn, tiện lợi thích hợp để làm quà biếu cho gia đình và bạn bè, cũng là cách để lan tỏa món nem nướng cùng với nét văn hóa độc đáo của vùng Thanh Hóa đến gần hơn với mọi người.

Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt đẹp, những di tích lịch sử và văn hóa độc đáo, Thọ Xuân sẽ không làm bạn thất vọng khi đến tham quan và trải nghiệm.

                                                             Xuân Khang