Thanh Hóa: Khuyến khích không sử dụng tiền mặt tại chợ quê

(SHTT) - Với những chính sách tuyên truyền và vận động của tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây, tại các khu vực nông thông trên địa bàn đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực từ hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử.

 

Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có 80% người dân khu vực nông thôn từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm. Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống các ngân hàng và chính quyền địa phương, hoạt động TTKDTM khu vực nông thôn, nhất là tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, cải thiện cả về số lượng và chất lượng dịch vụ.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 361 máy ATM, gần 4.000 máy thanh toán qua thẻ ngân hàng (POS) với 3.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng và các chợ truyền thống... Các ngân hàng thương mại đã xây dựng các mô hình chợ không sử dụng tiền mặt tại nhiều địa phương, hướng dẫn người dân các phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi như thanh toán bằng mã QR Code, thanh toán thẻ chip phi tiếp xúc... Nhờ vậy, số lượng giao dịch TTKDTM qua các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 150 triệu giao dịch, với doanh số thanh toán đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng.

Dù chưa chuyển đổi hoàn toàn từ hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử bởi một số người còn dùng điện thoại không kết nối internet, một số giao dịch nhỏ lẻ... nhưng có thể thấy tại các chợ truyền thống đã có chuyển biến rất tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin để thanh toán, trước hết là tiểu thương đã thay đổi thói quen thanh toán giao dịch mua bán, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đồng thời, việc TTKDTM đã giúp tiểu thương quản lý dòng tiền, số hóa sổ sách bán hàng hiệu quả, chính xác hơn. Điều này đã cho thấy bước chuyển mới về ứng dụng công nghệ số tại các chợ truyền thống.

Bảo Bình