Xử lý bài toán ô nhiễm môi trường, cần có các công nghệ tận dụng rác thải như tài nguyên

(SHTT) - Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, với yêu cầu từ thực tiễn, các hướng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong tương lai cần phải giải quyết được bài toàn môi trường và tận dụng rác như nguồn tài nguyên.

Mới đây, trong bài phát biểu tại hội thảo "Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - thực trạng và giải pháp", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái nhận định, sự gia tăng dân số, đô thị hóa và phát triển kinh tế đã làm cho lượng chất thải rắn ngày càng tăng, không chỉ ở đô thị mà còn cả khu vực nông thôn. Điều này tác động tiêu cực môi trường, đặt ra những thách thức về quản lý chất thải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Với thực tiễn đó, một trong những yếu tố cần được chú trọng và nhanh chóng hiện thực hóa là xây dựng các nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hướng tới việc giải quyết bài toán môi trường và tận dụng được rác thải như một thứ tài nguyên. Cần tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp phù hợp cần đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng được rác thải.

 

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, không có một công nghệ duy nhất nào được coi là tối ưu. Việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Một sự kết hợp và tối ưu các công nghệ khác nhau cũng có thể được áp dụng tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, cần áp dụng tối đa xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải. Vấn đề quan trọng là các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi đưa vào sử dụng cần bảo đảm được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính khả thi về hiệu quả đầu tư, vận hành và tính bền vững.

Những dự án áp dụng lò đốt có công suất nhỏ (350-1000 kg/h) là những giải pháp tình thế, tạm thời để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư nhỏ. Cần khuyến khích mô hình xử lý tập trung, quy mô đủ lớn và công nghệ hiện đại, với quy mô xử lý từ 500 tấn trở lên. Đẩy mạnh kinh tế xanh, tuần hoàn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với chất thải rắn công nghiệp tại các khu công nghiệp theo mô hình tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt từ chất thải rắn phục vụ cho các hộ tiêu thụ trong khu công nghiệp.

Theo Thứ trưởng, chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… Do đó, công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp.

Theo Thứ trưởng Thái, nhằm thúc đẩy các nghiên cứu phát triển giải pháp xử lý chất thải hiệu quả, tân tiến, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ khoa học... góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý rác vào thực tế.

Trong thời gian tới, ông mong muốn có sự phối hợp kịp thời giữa các cơ quan, bộ, ngành và địa phương cũng như các doanh nghiệp, viện trường, nhà nghiên cứu để giải quyết triệt để các thách thức trong việc xử lý rác. Các ứng dụng thực tế những giải pháp công nghệ xử lý chất thải cần được thực hiện một cách toàn diện, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Quỳnh Trang