Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam

(SHTT) - Diễn đàn với chủ đề “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam” đã giúp tìm ra giải pháp để phát huy tiềm năng to lớn của số hóa cho nông dân Việt Nam trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang ở ngưỡng cửa cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Được Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng tổ chức với sự hợp tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diễn đàn là nơi để các chuyên gia thảo luận về những giải pháp bền vững và thiết thực cho nông dân sản xuất nhỏ của Việt Nam. Những giải pháp này bao gồm số hóa chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho việc cấp chứng nhận và nâng cao tính hấp dẫn của các mặt hàng nông sản đối với các nhà sản xuất lương thực, thực phẩm đa quốc gia và thị trường nước ngoài. Ngoài ra, những chuyên gia đầu ngành sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về chuỗi cung ứng nông nghiệp phát thải cacbon thấp, tiềm năng của Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong tương lai của ngành nông nghiệp và những thách thức trong việc số hóa chuỗi cung ứng với đa phần là các nông hộ nhỏ của Việt Nam.

Khoảng 200 đại biểu tham gia diễn đàn đã có cơ hội lắng nghe ý kiến của các chuyên gia khu vực và toàn cầu về công nghệ nông nghiệp kỹ thuật số, kết nối với các công ty công nghệ toàn cầu và khách hàng tiềm năng, xác định các giải pháp công nghệ sẽ được sử dụng trong những dự án kinh doanh nông nghiệp, kết nối và tham gia với các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành phát triển, doanh nhân công nghệ và các doanh nghiệp nông nghiệp.

 

Ở một quốc gia mà nông nghiệp vẫn là một trụ cột chiến lược của nền kinh tế, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mang đến cơ hội hiếm có giúp tăng năng suất, nâng cao tính bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho nông dân sản xuất nhỏ. Việc sử dụng các công cụ và công nghệ kỹ thuật số hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam, như gạo, hạt tiêu và cà phê. Những tiến bộ này rất quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất lương thực trong nước. Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và tạo ra một tỷ lệ đáng kể việc làm trong cả nước.

Hơn nữa, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp còn có tiềm năng góp phần vào việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí mêtan vào năm 2030 của Việt Nam, khi hàng năm ngành nông nghiệp hiện đang đóng góp khoảng 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Ngân hàng Thế giới và IFC hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam bằng cách xác định và thúc đẩy phát triển các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số trọng tâm giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hai tổ chức này tập trung hỗ trợ phát triển những công nghệ đột phá để tăng cường an ninh lương thực và mở rộng cơ hội thị trường cho nông dân sản xuất nhỏ cũng như các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm của Việt Nam.

 Phạm Tuấn