Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội: Lan tỏa tinh hoa đất trăm nghề

(SHTT) - Tối ngày 3/11 vừa qua, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội đã chính thức khai mạc. Đây là chương trình nhằm quảng bá và lan tỏa những giá trị tinh hoa của các làng nghề truyền thống tại Thủ đô tới du khách thập phương.

Tối ngày 3/11, tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông, Sở Du lịch Hà Nội đã long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Hà Nội – đến để yêu”. Sự kiện có sự tham dự của Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên.

 Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu khai mạc lễ hội

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội có khu phố cổ, có hệ thống di tích lịch sử - cách mạng cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Những vốn quý này đều chứa đựng rất nhiều chất liệu văn hóa, những câu chuyện hay để “truyền tải” một cách mạnh mẽ thông qua từng sản phẩm.

Vốn được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề với 1.350 làng nghề, số lượng làng nghề lớn nhất cả nước hiện nay, Hà Nội có nguồn tài nguyên phong phú và cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp sản xuất quà tặng hấp dẫn, đa dạng, đầy bản sắc văn hóa và mang tính đặc trưng của Thủ đô.

Lễ khai mạc có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo từ Trung ương và các bộ ngành 

Xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là thế mạnh, những năm qua, Thành phố đã chỉ đạo tập trung và triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề nổi tiếng, kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch; triển khai chương trình OCOP; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề; xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch nhằm tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến Hà Nội…

Các đại biểu nhấn nút khai mạc Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023 

Với mong muốn du lịch Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước cùng bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, đưa những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành những sản phẩm quà tặng mang giá trị nghệ thuật, có câu chuyện và ý nghĩa riêng đến với du khách, góp phần tạo nên những sản phẩm điểm nhấn đại diện cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tin tưởng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố, sự chung tay góp sức của các địa phương, sự đồng lòng của mỗi người dân và doanh nghiệp, sự ủng hộ của du khách trong nước và quốc tế, chắc chắn ngành Du lịch Thủ đô sẽ có những bước phát triển đột phá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới. Xứng đáng là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á cùng nhiều giải thưởng khác đã được vinh danh.

 
 Một số tiết mục biểu diễn ấn tượng tại lễ khai mạc

Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023 là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh Thủ đô - điểm du lịch hấp dẫn, an toàn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội.

 Năm nay, lễ hội nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nghệ nhân, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quà tặng trên địa bàn Hà Nội và thu hút sự tham gia của hơn 70 gian hàng đến từ các làng nghề nổi tiếng của Thủ đô.

Diễn ra trong 3 ngày từ 3/11-5/11, lễ hội sẽ bao gồm nhiều hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như:  

Lễ khai mạc chương trình; 2 phiên Tọa đàm “Phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023” các Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng, các hoạt động trình diễn đường phố; Các hoạt động văn nghệ tại khu vực sân khấu chính và đường phố như trình diễn thời trang "Dấu ấn tinh hoa", biểu diễn nghệ thuật với tiết mục “Con đĩ đánh bồng”, trò chơi dân gian, workshop thủ công làng nghề như làm chuồn chuồn tre, pha chế cà phê, làm hoa giấy...

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng tạo dựng nhiều không gian check-in phong cảnh theo chủ đề: không gian quảng bá, tôn vinh các làng nghề truyền thống của Hà Nội như làng quạt Chàng Sơn, làng lụa Vạn Phúc, làng chuồn chuồn Thạch Xá, gốm Bát Tràng. 

 
 
 
 Các không gian checkin tại Lễ hội được chuẩn bị công phu theo chủ đề nhằm quảng bá những giá trị làng nghề truyền thống tại Thủ đô

Sự kiện không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các làng nghề, nghề truyền thống mà còn là điều kiện và cơ hội để tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ; là cầu nối giúp các nghệ nhân, các làng nghề, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh quà tặng, các đơn vị thiết kế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu, tìm hiểu kết nối thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành hàng quà tặng lưu niệm hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp quà tặng du lịch. 

Lễ hội là dịp để các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và làng nghề quảng bá trực tiếp các sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước 

Tại đây, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch sẽ giới thiệu các sản phẩm quà tặng voucher du lịch với giá khuyến mãi; trưng bày, giới thiệu các hoạt động kinh doanh du lịch, khách sạn; hoạt động của các hãng hàng không; khu trải nghiệm, khu ẩm thực, chương trình biểu diễn nghệ thuật…

 Thái An