Dùng xơ mướp làm bông tắm, nhóm bạn trẻ thắng giải Khởi nghiệp Xanh

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là xơ mướp để tạo ra những sản phẩm như bông tắm, đồ chơi cho thú cưng,… nhóm bạn trẻ đến từ Đồng Tháp đã thắng giải cuộc thi "Dự án Khởi nghiệp Xanh" năm 2023.

Dự án "Kết nối con người với tự nhiên" thông qua các sản phẩm phát triển từ vật liệu mới là xơ mướp (Mr. Mướp) đã xuất sắc giành giải nhất với giải thưởng 150 triệu đồng.

Ông Đỗ Đăng Khoa - đại diện nhóm dự án - cho biết Mr. Mướp ra đời từ năm 2017 với mong muốn tạo ra những sản phẩm mới từ những nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện môi trường có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới cho những phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, cụ thể là xơ mướp.

 Nhiều sản phẩm từ xơ mướp của nhóm dự án đã xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc.  

Hiện sản phẩm của doanh nghiệp này cũng đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản. Sản phẩm có thị trường xuất khẩu ổn định với các đối tác là Nhật Bản và Hàn Quốc. Các mặt hàng chủ lực hiện tại của Mr Mướp được làm từ xơ mướp là bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, các sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm. Sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.

Song song với việc phát triển sản phẩm và thương mại thành công, doanh nghiệp này cũng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân từ kế hoạch liên kết xây dựng vùng trồng và bao tiêu thu mua nguyên liệu.

"Dự án đang triển khai mở rộng vùng trồng ở khu vực Đắk Nông với mong muốn tạo thêm sinh kế cho người dân tộc thiểu số tại đây. Về thị trường, chúng tôi tiếp tục mở rộng bán hàng tại Hàn Quốc, đồng thời bán qua Amazon", ông Đỗ Đăng Khoa nói.

 Dự án được ban tổ chức đánh giá cao tại cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh năm 2023.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng trao 2 giải nhì, mỗi giải trị giá 80 triệu đồng cho dự án "Phát triển lạp xưởng cá lóc" của bà Dương Thị Hồng Chuyên (Đồng Tháp) và dự án "Sản xuất muối Tây Ninh - Kết hợp đặc sản vùng miền" của ông Nguyễn Ngọc Sơn và Phạm Thái Hoàng (Tây Ninh).

Dương Thị Hồng Chuyên – trưởng nhóm dự án Phát triển lạp xưởng cá lóc - cho biết hiện doanh nghiệp đã liên kết với hộ nông nông dân chăn nuôi, hợp tác xã,.. để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Sản phẩm mang tính bền vững, liên kết hai chiều giữa người sản xuất với hộ nông dân. Phế phẩm làm ra từ đầu cá có thể xử lý vi sinh và bán lại cho hộ nông dân xay ra làm nguồn thức ăn cho cá, nhà sản xuất mua lại cá từ người nông dân, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

Theo bà Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), so với năm trước, số lượng dự án vào chung kết năm nay nhiều hơn. Bản chất của các dự án cũng có nhiều tiến bộ.

"Các bạn có áp dụng công nghệ, quan tâm nhiều hơn đến phát triển vững. Chúng tôi kỳ vọng các bạn không chỉ là những doanh nông có kiến thức, yêu sản phẩm của mình mà còn là những doanh nông có tri thức, có thể phát triển, mang sản phẩm của mình ra quốc tế", bà Nguyễn Cẩm Chi nói.

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9/2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức với sự phối hợp của nhiều đơn vị. Được biết, cơ cấu giải thưởng cuộc thi có tổng giá trị tiền mặt hơn 1 tỉ đồng. Đồng thời, các dự án đoạt giải thưởng sẽ tham gia các hội chợ quốc tế liên quan tới nông nghiệp – thực phẩm; tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại,…

Võ Liên