Vi phạm bản quyền giải bóng đá tại Việt Nam: Đứng sau là những tổ chức tội phạm tinh vi

(SHTT) - Cuộc cách mạng số hóa đang mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung. Vì vậy vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp, với hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) đăng phát các giải bóng đá.

Theo thống kê, từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền để ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net, tammao.tv, 90link.com, xoilac.live, xemtructiep.xyz... Danh sách các website vi phạm được công bố trên trang banquyen.gov.vn.

Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách chống vi phạm bản quyền của Truyền hình số K+, dẫn số liệu từ Media Partners Asia, cho hay Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu. Mặc dù vậy, nếu tính trên đầu người, theo bà Thủy, thì Việt Nam lại đứng thứ nhất khu vực về vi phạm bản quyền.

Liên quan đến vấn đề này, ông Aaron Herps, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (BTC Giải bóng đá ngoại hạng Anh) chia sẻ về tình trạng vi phạm bản quyền của giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam.

 

Theo ông Aaron Herps, các vụ vi phạm bản quyền của giải tại Việt Nam hiện rất tinh vi và phức tạp, đứng đằng sau là tội phạm có tổ chức như tổ chức tội phạm chuyên về cá cược. Dù BTC giải Ngoại hạng Anh luôn luôn có những cách thức ngăn chặn sự hoạt động của các trang web lậu nhưng thực tế, các tổ chức này cũng nhanh chóng tìm kiếm những cách thức vượt qua phương pháp ngăn chặn.

Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng cho biết, tại Việt Nam, cách thức giải quyết các đơn vị vi phạm bản quyền là dùng công nghệ bảo vệ các chương trình phát sóng khi làm việc cùng K+, sử dụng công nghệ lọc thông tin trên internet để phát hiện những đơn vị vi phạm. Sau đó, sẽ gởi thông tin đến các bên cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ nội dung.

Nhưng theo ông, điều quan trọng nhất vẫn là đào tạo nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề bản quyền. Vì vậy thời gian tới, BTC giải Ngoại hạng Anh sẽ triển khai chiến dịch "Nâng cao nhận thức về việc xâm phạm bản quyền và ăn cắp nội dung".

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức chương trình này tại Việt Nam và chúng tôi hi vọng những hoạt động như vậy sẽ tiếp tục được thực hiện để nâng cao nhận thức của tất cả mọi người" - ông Aaron Herps chia sẻ.

Nói về cơ sở pháp lý để có thể chặn những trang web lậu, ông Aaron Herps cho rằng đây là vấn đề cần phải được xây dựng và khi xây dựng được quy định của pháp luật rồi thì khi triển khai nó sẽ dễ hơn.

"Bởi thực ra giải ngoại hạng Anh đã có kinh nghiệm làm việc ở các quốc gia khác nhau, tôi biết thông thường là sẽ phải nhắm đến web hay nhóm đối tượng nào.

Và thực ra đấy là các tổ chức chuyên về cá độ cho nên câu chuyện này cũng đã rõ và điều mấu chốt nhất ở đây là cần có điều chỉnh đối với khung pháp lý để bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm trí tuệ" - ông Aaron Herps nhấn mạnh.

Hương Mi