Tranh cãi xung quanh đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK

(SHTT) - Mới đây Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng nên loại bỏ tác phẩm này để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh. Ngay sau khi đề xuất này được đưa ra đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

 Anh Hiền nêu quan điểm: “Ở khía cạnh văn học, tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao có thể được đáng giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại.

Theo anh Hiền, nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá, nhưng đây là một nhận xét phiến diện, mang tính áp đặt.

Anh Hiền cho rằng, nếu Chí là đại diện cho tầng lớp nông dân thì "thật mang tiếng cho nông dân mình quá" và dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu. Ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là hành động không thể dung thứ...

Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?

Tranh cãi xung quanh đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK 

Trước các ý kiến này, chia sẻ với Trí Thức Trẻ TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình và bà luôn tôn trọng sự khác biệt, coi đó là nguyên tắc sống nhân văn nhất.

"Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta giúp lan truyền và chấp nhận những phát ngôn có thể gây phương hại tới những giá trị đích thực trong cộng đồng. Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận", TS Tuyết nhấn mạnh.

Theo TS Tuyết, tiến bộ trong văn học khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Cụ thể, những thành tựu của khoa học thời kỳ trước sẽ trở nên lạc hậu và có thể bị đào thải bởi sự xuất hiện thành tựu khoa học thời kỳ sau ưu việt hơn.

Riêng văn học nghệ thuật, những tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng, những giá trị đích thực sẽ luôn được làm mới trong tầm đón nhận của mỗi thời đại nối tiếp.

"Là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930- 1945, tôi tin truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó.

Quan điểm của tôi là phải giới thiệu cho học sinh bản hoàn chỉnh của truyện ngắn, không lược bỏ cắt xén, bởi giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm chỉ được cảm nhận đúng đắn trong chỉnh thể", TS Tuyết bày tỏ.

Theo Tiền Phong, đồng quan điểm, bà Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ Văn Trường THCS&THPT Marie Curie Hà Nội cũng cho rằng, Nam Cao là nhà văn lớn và Chí Phèo là tác phẩm văn học xuất sắc. Điều này, không cần ai phải bàn cãi. Vì vậy, việc đưa tác phẩm vào chương trình, SGK lớp 11 để dạy học là hoàn toàn phù hợp.

Bà Lê cho rằng, bài viết của tác giả Sóng Hiền thể hiện một góc nhìn khác của cá nhân người viết là rất đáng trân trọng nhưng đề xuất loại khỏi chương trình là non tay và không hợp lý. Việc tác giả áp đặt rằng hiện nay đang dạy như thế thì không đúng và nếu vẫn còn ai dạy như thế thì thật là buồn.

 Theo bà Lê, dạy học và dạy môn Văn là quá trình vận động và biến thiên cho phù hợp đối tượng, tâm thế, tâm lí từng lớp, từng vùng văn hóa và giai đoạn lịch sử.

Ví dụ, chi tiết anh Sóng Hiền đưa ra là Chí Phèo hiếp Thị Nở, tôi cho rằng, không nên có cái nhìn duy lý hiện đại để bình luận, áp đặt tác phẩm. Trong tình tiết đó, Chí đã được sự đồng thuận của Thị Nở và nhờ có Chí, hai con người ở đáy xã hội mới biết thế nào là tình yêu, đó cũng là ý nghĩa nhân văn, cái hay của tác phẩm.

Đương nhiên, ở một góc độ khác, những vấn đề anh Sóng  Hiền đưa ra, mình nghĩ rất nên đưa vào bài giảng để học sinh thảo luận. Đó là góc nhìn mới mà không phải giáo viên nào cũng ý thức áp dụng khi dạy Văn học. Văn học hiện nay không nên rao giảng giáo điều mà phải khơi gợi để chính học sinh bật ra những suy nghĩ và cảm nhận. Từ đó, uốn nắn hành vi cho trẻ vì dạy văn chính là dạy người.

PV (t/h)