Hà Tĩnh: Thu giữ hơn 3.000 tem nhãn bưởi Phúc Trạch không đạt chuẩn

(SHTT) - Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã kịp thời phát hiện một cơ sở in ấn trên địa bàn thực hiện hành vi in hơn 3.000 tem nhãn bưởi Phúc Trạch không đủ tiêu chuẩn, điều kiện lưu hành.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), mới đây, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Khê phối hợp với các cơ quan liên quan vừa phát hiện, tiêu hủy trên 3.170 tem nhãn bưởi Phúc Trạch được in ấn không đủ tiêu chuẩn, điều kiện lưu hành.

Trước đó, qua theo dõi xác minh, lực lượng chức năng huyện Hương Khê phát hiện cơ sở in Lý Sơn do bà Phạm Thị Lý (thôn 4, xã Phú Phong) làm chủ đã sử dụng mạng xã hội quảng cáo, nhận in tem nhãn bưởi Phúc Trạch.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở đã in 3.170 tem nhãn bưởi Phúc Trạch không đủ điều kiện lưu hành.

 

Trong đó, 1.170 tem nhãn “Bưởi Phúc Trạch Long Lài đạt tiêu chuẩn VietGAP” theo đặt hàng của bà Lê Thị Long (hộ kinh doanh, buôn bán ở tổ dân phố 3, thị trấn Hương Khê); 2.000 tem nhãn “Bưởi Phúc Trạch VietGAP” của hộ gia đình bà Phạm Thị Lài (thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch).

Tại thời điểm đoàn đến kiểm tra, bà Phạm Thị Lý thừa nhận do thiếu hiểu biết và muốn quảng bá tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch nên đã in tem nhãn không đúng quy định.

Đoàn đã lập biên bản, nhắc nhở chủ cơ sở chấm dứt việc in tem nhãn bưởi Phúc Trạch sai quy định, nếu tái phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo pháp luật hiện hành. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã thu hồi và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số tem nhãn in sai quy trình, quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 5775/UBND-NL về việc quản lý, sử dụng tem trên quả bưởi Phúc Trạch. Cụ thể, thống nhất sử dụng 1 loại tem trên quả bưởi Phúc Trạch (tem chỉ dẫn địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm); đồng thời tích hợp các thông tin của các loại tem còn lại (VietGAP, OCOP do các tổ chức chứng nhận cấp…) vào tem chỉ dẫn địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nêu trên.

Các điều kiện cần và đủ để sản phẩm nông nghiệp được dán tem VietGAP?

VietGAP là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam,  do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ  tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

 

Tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp nếu muốn đạt được chứng nhận VietGP cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bao gồm:

Thứ nhất là về kỹ thuật sản xuất;

Thứ hai là tiêu chuẩn an toàn đảm bảo không có hóa chất, nhiễm khuẩn hay ô nhiễm khi thu hoạch;

Thứ ba là đảm bảo môi trường làm việc, không lạm dụng sức lao động của nhân viên;

Thứ tư là truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho phép xác định những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Việc áp dụng VietGAP chính là bằng chứng để khẳng định tên tuổi của sản phẩm trồng trọt , tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ vào việc vượt qua được các rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Quỳnh Trang