Chuyển đổi số đối mặt với thách thức lớn từ tội phạm mạng, lừa đảo

(SHTT) - Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và qua quá trình này, dữ liệu sinh ra ngày càng tăng trên nền tảng số. Tuy nhiên nếu công tác chuyển đổi số không đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu thì sẽ tạo ra hậu quả nghiêm trọng.

  Việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải quyết hiệu quả những thách thức về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhìn nhận đúng đắn những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng sẽ giúp chúng ta chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia vào không gian số, xã hội số. Với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhanh chóng như hiện nay, tình hình an ninh mạng của Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm mạng tiếp tục gia tăng, hoạt động rộng khắp trên mọi lĩnh vực.

Tại sự kiện “Hội thảo và Triển lãm An toàn thông tin khu vực phía Nam 2023”, với chủ đề “Công nghệ mới và An ninh mạng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo”, PGS.TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong thời gian qua chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược, nhưng làm chuyển đổi số thế nào cho hiệu quả và đảm bảo an toàn đó là điều hết sức quan trọng.

 

Theo ông Dương Anh Đức, nếu công tác chuyển đổi số không đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu thì sẽ tạo ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy, với Hội thảo và triển lãm lần này, ông Dương Anh Đức hi vọng sẽ có nhiều giải pháp tốt để thực thi công việc của mình dù đó là cơ quan quản lý Nhà nước hay doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hiệp hội VNISA cho biết, chuyển đổi số là chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường sự cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường tính phục vụ minh bạch và hiệu quả của các cơ quan Nhà nước, đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn thông tin của dữ liệu trên các nền tảng số, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dân trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT, Deepfake làm tăng cường các hình thức tội phạm mạng, lừa đảo, tấn công mạng, đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng an toàn thông tin. 

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, thiệt hại từ những vụ lộ, lọt thông tin, dữ liệu là không đo đếm được. Báo cáo của Bộ TT-TT, năm 2022, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 4.835,4 tỷ đồng, nhưng con số thiệt hại ước tính lên tới 21.200 tỷ đồng; chi phí trung bình khắc phục sự cố lộ, lọt thông tin, dữ liệu bị đánh cắp lên đến 15,4 triệu USD/vụ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Dữ liệu cá nhân là nhân tố cơ bản để hình thành nên các cơ sở dữ liệu của Chính phủ, doanh nghiệp; hiện đã được xem là nguồn tài nguyên vô giá nên dễ dàng trở thành mục tiêu để các tổ chức, cá nhân thu thập, khai thác, sử dụng. Sử dụng đúng mục đích, tuân thủ pháp luật sẽ mang lại giá trị rất lớn, ngược lại nếu khai thác, sử dụng trái phép vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì hậu quả vô cùng nặng nề”.

Có thể thấy, thách thức về an ninh mạng là thách thức mang tính toàn cầu, đó là mối đe dọa chung đối với mọi quốc gia, trong đó không ngoại trừ Việt Nam. Vì vậy, để đối phó hiệu quả với những thách thức về an ninh mạng, cần có sự chung tay của các quốc gia, các cơ quan, tổ chức quốc tế, các hãng công nghệ, thông qua cơ chế, khuôn khổ pháp lý song phương, đa phương, thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng.

Các quốc gia, các cơ quan, tổ chức quốc tế, các hãng công nghệ cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam phòng, chống tấn công mạng và tội phạm mạng; cùng chung tay xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Hạ Anh