Việt Nam chủ động triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 trước diễn biến mới

(SHTT) - Biến thể phụ EG.5 Omicron của virus SARS-CoV hiện đang khiến các ca COVID-19 mới tăng mạnh tại nhiều quốc gia. Trước diễn biến mới, Bộ Y tế mới đây đã có văn bản về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch bùng phát trở lại.

Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, biến thể phụ EG.5 Omicron của virus SARS-CoV-2 có tỷ lệ lưu hành trên toàn cầu là 17,4% trong tuần từ 17-23/7/2023, tăng hơn 02 lần so với trong tuần từ 19-25/6/2023. 

Ngày 9/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 9/8 cho biết, ngoài Mỹ, một số quốc gia khác như Anh, Pháp và Nhật Bản cũng ghi nhận số ca tăng mạnh trong vài tuần qua. Với những diễn biến mới, WHO đánh giá biến thể phụ EG.5 Omicron thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, hiện đang lây lan ở nhiều gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới. 

 

Do vậy, để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai công tác phòng chống dịch. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể như sau: 

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. 

Chỉ đạo tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Đồng thời chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. 

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trao đổi với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống sáng 14/8, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin của Tổ chức Y tế thế giới về tính lây lan và độc lực của các biến thể mới, trong đó có biến thể phụ EG.5 Omicron.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên, tiêm vaccine phòng bệnh... 

"Đặc biệt lưu ý với nhóm người nguy cơ cao, người có bệnh nền, người có suy giảm hệ miễn dịch…"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Trước đó, trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 vào ngày 5/5/2023, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Tuy đã được tuyên bố không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tuy nhiên, WHO cũng nhấn mạnh điều đó không đồng nghĩa với việc nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc, tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.

Theo kế hoạch chiến lược ứng phó với Covid-19 cho giai đoạn 2023-2025 được WHO công bố vào đầu tháng 5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiếp tục duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.

Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là "hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững lâu dài hơn".

 Quỳnh Trang