Ống thép Việt Nam xuất vào Mỹ không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

(SHTT) - Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Theo kết luận của DOC, các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc) do không sử dụng thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ thị trường này.

Đối với các sản phẩm ống thép khác cùng bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (khởi xướng ngày 29/7/2022), ngày 20/7/2023, DOC thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng đến ngày 2/11/2023, thay vì ngày 4/8/2023 như thông báo trước đây.

Trước đó, ngày 6/4/2023, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của các vụ việc trên, cho rằng có hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ.

 

Tuy nhiên, DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu thép cán nóng (HRS) có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ để được miễn áp dụng biện pháp.

Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn, nhập từ Trung Quốc với mức lần lượt là hơn 69-86% và 249-265%; áp thuế chống trợ cấp là 30-616% và 2,2-201% từ năm 2008. Với Hàn Quốc, mức thuế chống bán phá giá ống thép carbon dạng tròn được Mỹ áp là 4,91-11,63% từ 1992.

Bộ Công Thương cũng lưu ý về số vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại tăng nhanh. Tính đến hết năm 2022, đã có 226 vụ việc hàng Việt Nam liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2022, có 17 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên vụ việc đang điều tra hoặc rà soát.

Bộ Công Thương nhìn nhận việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng làm giảm sức cạnh tranh của cả nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

Do vậy, cùng với việc cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần thận trọng, tuân theo các quy định của thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro.

Phạm Tuấn