Châu Phi: Chế tạo thành công cánh tay robot cho người khuyết tật từ rác thải điện tử

(SHTT) - Thấu hiểu những khó khăn mà người khuyết tật phải trải qua, 2 anh em người Kenya (châu Phi) đã tái chế phế liệu điện tử và tạo ra cánh tay robot thông minh nhằm hỗ trợ những đối tượng đặc biệt này trong sinh hoạt hằng ngày.

Moses Kiuna (29 tuổi) và David Gathu (30 tuổi) là anh em họ. Hai người lần đầu tiên sáng chế ra cánh tay giả vào năm 2012, sau khi chức kiến hàng xóm bị mất một tay trong tai nạn lao động. Tuy nhiên, bộ đôi nói rằng phát minh mới nhất của họ đã có những cải tiến đáng kể.

David Gathu (trái) và Moses Kiuna (phải) đang trình bày cách hoạt động của cánh tay robot sinh học thông minh. Ảnh: AFP

Kiuna cho biết cánh tay giả đầu tiên mà hai anh em chế tạo được làm riêng cho người hàng xóm. Nhờ nó mà ông đã có thể tự làm mọi việc quanh nhà.

Đối mặt với chi phí đắt đỏ của các bộ phận giả, chỉ 1 trên 10 người khuyết tật trên toàn thế giới mới có thể tiếp cận chúng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc quá ít người được sử dụng các thiết bị nhân tạo càng tăng thêm gánh nặng cho người khuyết tật.

Một người đang điều chỉnh chân giả trong nhà máy. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Nhận thấy việc nhập khẩu các bộ phận nhân tạo về Kenya rất tốn kém, Kiuna và Gathu đã tự hỏi phải làm sao để giải quyết vấn đề này.

“Tái sinh” rác thải điện tử

Họ đã tìm thấy câu trả lời từ những bãi phế liệu. Kể từ khi học trung học, bộ đôi đã lùng sục khắp các bãi rác quanh thủ đô Nairobi để tìm kiếm những linh kiện điện tử bị vứt bỏ và biến chúng thành những phát minh.

Vì nền giáo dục truyền thống không đủ “thỏa mãn” trí tò mò của hai anh em, năm 17 tuổi Gathu đã bỏ học. Vài năm sau đó, Kiuna cũng từ bỏ con đường đại học của mình. Dù vậy, ham muốn học tập của hai người này vẫn không hề giảm sút.

Trong căn phòng thí nghiệm tự chế nằm ngay bên cạnh nhà bà của hai anh em là những giá sách chất đầy sách khoa học. Tường phòng được ghép từ những tấm kim loại treo đầy các biểu đồ chi tiết về giải phẫu người hoặc bảng tuần hoàn.

Khi giải thích về quá trình tạo ra cánh tay giả, Gathu chia sẻ: “Chúng tôi nghiên cứu sinh lý thần kinh bằng cách đọc sách và trao đổi với các bác sĩ để được nghe giải thích về các khái niệm chuyên môn”.

Đây chỉ là một trong những sáng chế mà hai người đã phát minh. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bộ đôi đã chế tạo ra thiết bị khử trùng tiền giấy bằng công nghệ hồng ngoại. Theo sau là sự xuất hiện của máy phát năng lượng xanh chuyển đổi oxy thành điện năng nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tiến tới tương lai rộng mở

Mukuria Mwangi, người sáng lập Trường Jasiri Mugumo tại Nairobi khẳng định Kiuna và Gathu là bằng chứng cho thấy người châu Phi có thể đóng góp đáng kể cho công nghệ và khoa học ngày nay.

Mwangi, người thường xuyên mời cả 2 tới cố vấn cho học sinh ở trường, nói với AFP rằng hệ thống giáo dục ở Kenya rất ít khi khuyến khích sự đổi mới.

Ông cũng bày tỏ: “Sáng chế không phải là một môn được chú trọng trong các trường học của chúng tôi, nhưng đổi mới là điều sẽ thúc đẩy tương lai”.

Học sinh Kenya đang ngồi nghe giảng trong lớp. Ảnh: NMG

Vấn đề thiếu vốn ngân sách cũng là một trong những nguyên nhân ngăn cản sự đổi mới trở thành tâm điểm ở quốc gia Đông Phi. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng phát minh bị bỏ xó trong phòng thí nghiệm của Gathu và Kiuna.

Bộ đôi hy vọng sẽ biến cánh tay giả và những sáng chế khác của mình thành công việc kinh doanh phát đạt. Theo lời Gathu, hai người có nhiều ý tưởng khác có thể khả thi về mặt thương mại, song lại thiếu kinh phí và hỗ trợ.

Hoàng Ngân