Nhà báo Trần Chánh Nghĩa ra sách, truyền lại ‘tinh tuý’ báo chí cho thế hệ trẻ

Không cho phép mình ngừng viết và mong muốn đóng góp, chia sẻ thêm kinh nghiệm làm báo hơn 50 năm cho thế hệ trẻ, nhà báo lão thành Trần Chánh Nghĩa đã ra mắt tuyển tập 2 cuốn sách “Đất và người Phương nam”.

Nhắc đến nhà báo Trần Chánh Nghĩa (SN 1950, ngụ TP.HCM), các thế hệ làm báo ở TP.HCM ai ai cũng biết và đều tôn trọng, nể phục bởi những cống hiến, đóng góp của ông cho sự nghiệp báo chí quên cả thanh xuân, tuổi tác; có công đào tạo nhiều phóng viên, nhà báo ở khu vực miền Nam.

Trần Chánh Nghĩa là một trong những nhà báo cao tuổi nhất từng hoạt động trong làng báo miền Nam. Có lẽ, ông cũng là nhà báo lão thành hiện còn "say" nghề mà đã từng kênh qua hai giai đoạn lịch sử của đất nước.

Tác phẩm của ông có mặt hầu như đầy đủ ở các tờ báo lớn như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Sài Gòn Giải Phóng…

 Nhà báo Trần Chánh Nghĩa trong một lần tác nghiệp vụ cháy.

Hiện nay, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng máu nghề trong ông vẫn sôi sục, sự đam mê, nhiệt huyết đã ngấm sâu vào con người ông.

Không cho phép mình dừng lại và mong muốn đóng góp, chia sẻ thêm kinh nghiệm làm báo hơn 50 năm của mình cho thế hệ trẻ, ông đã ra mắt tuyển tập 2 cuốn sách “Đất và người phương Nam”.

Tập 1 mang tên “Một thuở Saigon”, tập 2 có tên “Dấu chân xuôi ngược” như một cuốn nhật ký hành trình làm báo của ông.

Với thế hệ trẻ, ông được xem là gương sáng về sự dấn thân và chuẩn nghề đúng như nhà báo lão thành Hữu Thọ từng nói: "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc".

Ngòi bút của ông đi qua một hành trình dài của đất nước. Đề tài trong những bài viết của ông rất đời thường, mang hơi thở của cuộc sống thường nhật, ông được xem là người thích đi tìm cái mới trong những điều đã cũ. Nhiều nhà báo trẻ phong ông là "cuốn từ điển sống" về mảnh đất TP.HCM bởi ông tường tận từ mọi ngóc ngách, di tích, đường đi, sự kiện quá khứ hiện tại ở đất và người thành phố này.

Tuyển tập 2 cuốn sách là những bài viết khi ông tác nghiệp, đăng tải trên nhiều tờ báo lớn.

Điều này thể hiện rõ trong hai tập sách "Đất và người phương Nam" do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành.

Trong tập 1, Trần Chánh Nghĩa tổng hợp những bài viết của mình về những thông tin quá khứ, hiện tại mới lạ về những câu chuyện, nhân vật, giai thoại, địa danh…của TP.HCM xưa.

Tập 2 mang tên "Dấu chân xuôi ngược" là tập hợp những bài viết của ông về đất và người Nam Bộ. Các bài viết này là kết quả của những chuyến đi và viết về địa danh, điển tích, nhân vật…

Đó là những điều cuộc sống quanh ta nhưng đọc bài viết của ông, người đọc mới hiểu được chiều sâu, ý nghĩa, nguồn gốc của nó. Câu chuyện, thông tin được ông giới thiệu bằng cách viết khúc chiết, ngôn từ gần gũi. Đó là những góc nhìn của ông về: hồ Con Rùa, lăng Cha Cả, cầu Mống, người đẹp giang hồ Lệ Hải, vua lúa gạo Quách Đàm, vũ nữ Cẩm Nhung, di tích “nhà trăm cột” đang kêu cứu; di tích Nhà Tây núi Thị, cầu Ghềnh mới và nỗi lo những cây cầu trăm tuổi…

Ngoài ra, ông cũng ghi lại những giai thoại nổi tiếng bằng góc nhìn mới mẻ, đầy nhân văn như: Bạch Công tử, tay chơi bậc nhất trời Nam; Dạ cổ hoài lang, bài hát 100 năm vẫn trong lòng người…

 Nhà báo Trần Chánh Nghĩa là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ làm báo sau này học hỏi, rèn luyện.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - nguyên Phó Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ: “Nhà báo Trần Chánh Nghĩa luôn đi tìm những thông tin mới lạ, nóng hổi hoặc có chút gì đó riêng mà bạn đọc chưa biết.

Có những sự việc đã xảy ra hàng trăm năm, đã bị lãng quên, bị tam sao thất bản... Tuy nhiên, từ đó, ông vẫn tìm hiểu và mang lại những thông tin giàu kiến thức với những góc nhìn đa dạng, đầy đủ. Đó là những bài viết về đất và người Nam Bộ. Đó là những địa danh, điển tích, nhân vật, đôi khi là một huyền thoại, một cụm từ dân gian hay dùng mà ít ai biết nguồn gốc, xuất xứ. Ông tìm tới cái cũ và làm mới nó, trân trọng và đầy trách nhiệm”.

Quang Hải