Hải Dương: Bắt giữ hàng trăm sản phẩm giả mạo nhãn hiệu thời trang nổi tiếng

(SHTT) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đã liên tiếp phát hiện 2 vụ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thời trang nổi tiếng với số tang vật bắt giữ lên tới gần 800 sản phẩm.

Hưởng ứng Kế hoạch cao điểm kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chỉ trong vòng 1 tuần, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, xử lý 2 vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thu giữ gần 800 sản phẩm vi phạm.

Mới đây, vào chiều ngày 3/1/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Công an huyện Gia Lộc tổ chức kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Trần Văn Phong do ông Trần Văn Phong làm chủ tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. 

Tại đây, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại cơ sở đang bày bán, kinh doanh 600 đôi tất chân nam giới có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” đang được bảo hộ. Tại thời điểm kiểm tra chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ có liên quan đến số hàng hóa nêu trên. Toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo đã bị tạm giữ để xác minh, làm rõ theo quy định.

 

Trước đó, vào ngày 28/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Công an huyện Tứ Kỳ kiểm tra đột xuất tại cửa hàng kinh doanh của hộ kinh doanh do ông Trần Đức Duy là chủ hộ tại thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Qua kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán, kinh doanh 185 đôi dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “GUCCI và hình”.

Qua xác minh, làm việc, phối hợp với đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu, lực lượng chức năng đã xác định toàn bộ số hàng hóa nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Đội Quản lý thị trường số 3 đã lập Biên bản vi phạm hành chính trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định xử phạt với số tiền 10 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm theo quy định.

Bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự.

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm vào quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể.

 

Thái An