Thanh Trì, Hà Nội: Phát hiện 510 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ

(SHTT) - Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục QLTT TP Hà Nội đã phối hợp với Đội 4 Phòng PC05 (Công an TP HN) tiến hành kiểm tra và thu giữ 510 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Thanh Trì.

 Cụ thể, khoảng 13h ngày 12/12/2022, Đội 4 - Phòng PC05 phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 - Cục QLTT TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại 20BT2, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Qua quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ của Trần Quỳnh Châm là chủ cơ sở kinh doanh 510 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội 4/Phòng PC05 đang tiếp tục phối hợp với Đội QLTT số 7 xác minh, làm rõ vi phạm để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào tháng 8/2022, Đội QLTT số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh rượu tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng thuộc Công ty TNHH Hằng Nhiệm, địa chỉ số 3 tổ 4 nhà nổi Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội và Hộ kinh doanh Rừng vàng thủ đô tại địa chỉ số 70 ngõ Ga Hà Đông, tổ dân phố 10, Phú La, Hà Đông, Hà Nội.

 

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 1 xác đinh 05 hành vi vi phạm, gồm: cơ sở bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế theo quy định; Cơ sở sử dụng người trực tiếp sản xuất thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Cung cấp không đầy đủ thông tin về hàng hóa trên website thương mại điện tử bán hàng; Kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng 645 lít. 

Có thể thấy, rượu thủ công không rõ nguồn gốc chính là nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc rượu thời gian gần đây. 

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà nguyên nhân chính là các kẻ xấu, những người kinh doanh rượu phi pháp đã mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Hiện nay, rượu pha cồn công nghiệp vẫn đang bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng mà chưa được kiểm soát tốt.

Cũng có nguyên nhân nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai và dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có các cơ sở y tế nhập về để sử dụng.

“Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch”, bác sĩ Nguyên cho biết thêm.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, methanol là một loại cồn công nghiệp. Bản thân methanol là chất độc có độc tính thấp, nhưng khi được đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchohol dehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan, thận, gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Chính vì vậy để phòng, tránh ngộ độc cồn công nghiệp, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu.

Hà Anh