Sức sáng tạo phi thường của 'cha đẻ' nón xương lá bàng

Từ những chiếc lá bàng tưởng bỏ đi, ông Võ Ngọc Hùng đã tận dụng và sáng tạo ra chiếc nón xuyên sáng rất độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng của nón Huế.

Với đam mê sáng tạo, nhìn thấy những người làm nón từ lá sen, ông Võ Ngọc Hùng (65 tuổi, ngụ 36/13 Kim Long, phường Kim Long, TP Huế) đã nảy ra ý tưởng sẽ làm nên một sản phẩm cách tân từ nón lá truyền thống nhưng khác về chất liệu.

“Hồi sinh” lá bàng

Mong muốn tận dụng các loại lá cây làm nón, ông Hùng đã trải qua thời gian dài nghiên cứu, hơn 30 lần thử nghiệm thất bại trên 30 loại lá khác nhau để đi đến thành công. Theo ông Hùng: “Đa số các loại lá như ổi, bồ đề,... đều có kết cấu chủ yếu là phần thịt, hoặc phần xương mỏng quá không đủ tiêu chuẩn làm nón”.

Cơ duyên trong một lần ông Hùng đi chơi cùng bạn ở vùng Bình Điền (thị xã Hương Trà, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế), gặp một loại lá khá to, tìm hiểu mới biết đó là lá bàng rừng. Theo ông Hùng, loại lá này cứng cáp, đặc biệt là có xương lá dày, dẻo dai, rất thích hợp để làm nón.

Sau thời gian dài thử nghiệm, ông Hùng đã thành công làm ra chiếc nón từ xương lá bàng rừng. Đó là một quá trình đầy công phu, tỉ mỉ. Trước hết, lá bàng được thu hoạch vào đầu mùa hè, thời điểm này ít sâu bệnh nên lá đẹp, ít bị rách. Lá được chọn phải có độ già vừa phải, bẻ to, dày.

“Mấu chốt của việc làm nón chính là khâu xử lý lá, tôi phải dành cả năm trời để tìm ra cách làm thích hợp nhất. Lá sau khi thu hoạch về được rửa qua, xếp vào thùng xốp sau đó ngâm với bakin soda cho rã hết phần thịt. Thời gian ngâm khoảng từ 1,5 tháng trở đi. Việc phân chia tỉ lệ các thành phần để ngâm lá quyết định phần lớn đến chất lượng lá”, ông Hùng chia sẻ.

 Chiếc mũ có tên "tơ trời" được ông Hùng làm từ rễ cây.

Trong tất cả các công đoạn, vất vả nhất là khâu chải xương lá, phải dùng bàn chải đánh răng cẩn thận chải trên chiếc lá mỏng. Việc này phải chải theo chiều thuận của lá và cần hết sức tỉ mỉ bởi nếu sơ sảy, một đường sống lá bị rách thì bao công sức sẽ bỏ đi. Thông thường lượng lá đạt tiêu chuẩn sau khi xử lý xong chỉ đạt từ 60%.

Để làm ra một chiếc nón lá hay tìm ra cách làm một sản phẩm mới cần đến nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm. Ông Hùng vốn là một giáo viên, sau khi nghỉ dạy ông làm nhiều nghề từ vào Nam, ra Bắc. Tính đến nay, nghề làm nón chính là công việc thứ 28.

Mỗi công việc đều mang lại cho ông Hùng kiến thức để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo cho bản thân. “Tôi là một thợ đụng thực thụ, từ làm lò gạch, làm giấy, đến chẻ mây,... mỗi công việc đều giúp tôi có được lượng kiến thức về một vài lĩnh vực nào đó. Nghề làm giấy giúp tôi hiểu về cách xử lý lá, chẻ mây giúp tôi học về nghệ thuật sắp xếp xương lá bàng, tận dụng các đường vân lá tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm”, ông Hùng chia sẻ.

Để làm ra sản phẩm hoàn thiện như hiện nay, ông Hùng đã có hơn 1,5 năm dày công nghiên cứu với tham vọng tạo ra những chiếc nón vừa truyền thống vừa hiện đại. 

“Tôi là một người mê xe đạp. Để có tiền làm nón, tôi phải bán đi 2 chiếc xe mình yêu thích lấy 30 triệu đồng làm vốn. Và có lẽ khó khăn lớn nhất là về mặt tinh thần, khi anh em, làng xóm ai cũng cho rằng tôi “điên”, làm sản phẩm tào lao", ông Hùng tâm sự.

Thế rồi, trải qua những khó khăn ban đầu, ông Hùng đã biến những chiếc nón của mình thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những chiếc nón bàng với đặc trưng xuyên sáng, hơn nữa việc giữ lại một phần màu tự nhiên từ lá giúp chiếc nón trở nên rực rỡ, hút mắt khi đi dưới ánh nắng.

Không đơn thuần chỉ là công cụ để che nắng che mưa, nón lá bàng còn là sản phẩm trang trí nội thất được nhiều nhà hàng, khách sạn ưa chuộng. Mỗi tháng, cơ sở của ông Hùng có thể sản xuất được 100 chiếc nón bàng, giá từ 450 ngàn đồng/chiếc, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Biến lá cây thành “sân chơi” sáng tạo

Từ việc thử nghiệm thành công kĩ thuật xử lý lá, ông Hùng đã tìm ra một nguyên liệu mới để tạo ra những sản phẩm độc nhất. Giờ đây, không chỉ làm nón từ lá bàng, ông Hùng tự tin có thể làm nón từ bất kì loại lá nào.

 Chiếc nón được làm từ xương lá bàng.

Nón lá bàng có giá trị thẩm mỹ cao nhưng cũng có rất nhiều quan ngại về độ mỏng và bền bỉ của nón. Nhưng với ông Hùng không gì là không thể, để nón được chắc chắn, ông đã phủ lên bề mặt nón một lớp vải lụa trong suốt để tăng độ bền cho nón. Ông Hùng tự tin tuổi thọ của mỗi chiếc nón lá bàng có thể lên đến 2 năm.

Ý tưởng úp xương lá lên bề mặt vải lụa được ông Hùng nghiên cứu rất kĩ, nhằm tạo ra vật liệu vừa thẩm mỹ vừa bền, đẹp, hợp với xu hướng của thị trường là phát triển các sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường.

Đến nay, sản phẩm làm từ các loại lá ngày càng đa dạng. Những mặt hàng như túi xách, dù, mũ, túi,... Ông Hùng còn dự định làm những món đồ lưu niệm nhỏ từ các loại lá có in hình ảnh, thông tin của khách hàng. Đặc biệt, ông Hùng đang ấp ủ dự án in bộ "Kim Vân Kiều" lên những chiếc lá bàng rừng. Đây hứa hẹn sẽ là một sản phẩm vô cùng độc đáo.

Đặc trưng xuyên sáng giúp những sản phẩm của ông Hùng trở nên bắt mắt. 

Ông Hùng cho rằng những chiếc nón đơn thuần khó có thể chiều lòng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, do đó việc sáng tạo ra những mặt hàng mới, độc đáo là điều cần thiết. Ông không đơn thuần chỉ là bán nón mà là bán trí tuệ của mình, đó mới là sản phẩm bền vững. Có thời điểm, ông Hùng được đặt hàng 1.000 chiếc nón.

Những chiếc nón của ông Hùng còn được kết hợp cả hội họa, nhiều danh thắng mang tính biểu tượng của Huế được vẽ lên mặt nón, góp phần quảng bá thương hiệu và con người xứ Huế. Được biết, con gái và vợ của ông Hùng đều là họa sĩ tài năng.

Với mong muốn xây dựng nghề làm nón lá bàng thành một phần đặc trưng của làng nghề Cố đô và tạo công ăn việc làm cho những trẻ em khó khăn, mồ côi, ông Hùng sẽ sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới để thu hút khách hàng trong và ngoài nước, phát huy tối đa tiềm năng của nón lá bàng.

Phan Hòa