Thủy sản Việt Nam xuất sang Nhật Bản buộc phải có chứng nhận khai thác

Từ ngày 1/12, Nhật Bản sẽ kiểm soát chứng nhận khai thác trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với 4 loại thủy sản nhập từ Việt Nam.

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, Bộ NN&PTNN), Nhật Bản sẽ kiểm soát chặt chẽ về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, cùng với thị trường EU, từ ngày 1//12, thị trường Nhật Bản sẽ kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản Việt Nam. Các lô hàng thủy sản và sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thuộc 4 loại thủy sản gồm mực ống/mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích được khai thác nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận cam kết khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, khi Nhật Bản kiểm soát IUU, các cơ sở chế biến thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu gửi về Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng trên địa bàn để xác nhận truy xuất nguồn gốc.

Các hồ sơ, tài liệu chứng nhận truy xuất nguồn gốc này phải gửi kèm theo lô hàng xuất khẩu đúng theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền, sau thời điểm Cơ chế chứng nhận khai thác của Nhật Bản (JCDS) có hiệu lực.

Có 4 loại thủy sản Việt Nam buộc phải có chứng nhận khai thác khi xuất sang Nhật Bản.

Do đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thông báo và đề nghị các doanh nghiệp, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng thực hiện theo yêu cầu.

Cụ thể, Cục giao Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề nghị, tổ chức thẩm định và thực hiện xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu đối với các lô hàng thủy sản thuộc 04 loài theo mẫu gửi kèm của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về quy định mới của Nhật Bản và hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định IUU.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản cần nghiên cứu các yêu cầu về khai báo thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản để tổ chức thực hiện kiểm soát trong quá trình thu mua, tiếp nhận, chế biến đối với 4 loài thủy sản đáp ứng quy định IUU.

Chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu Nhật Bản để cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục có liên quan trong thực hiện IUU. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền để gửi kèm theo lô hàng chế biến từ nguyên liệu được khai thác trước thời điểm yêu cầu này có hiệu lực.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 160,6 triệu USD, tăng 34,1% so cùng kỳ năm ngoài. Xuất khẩu thủy sản sang Nhật tăng trưởng mạnh, nhưng với quy định khắt khe về IUU đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.

Thanh Thảo