Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và liên kết vùng tại TP.HCM

Các chuyên gia cho rằng cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao và liên kết vùng tại TP.HCM nhằm phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng bền vững.

Tại hội thảo "Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam - Thực trạng và giải pháp", ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết cần phải giữ lại sản xuất nông nghiệp. Bởi vì nông nghiệp TP.HCM không đơn thuần là vấn đề đóng góp cho ngân sách, mà còn đảm bảo về an ninh lương thực cho vành đai của thành phố.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thức XI (nhiệm kỳ 2021-2025) Đảng bộ TP.HCM đã xác định "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị". Đặc biệt cần đề cao vai trò quan trọng và ưu tiên chỉ đạo của khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tăng năng suất sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản và nâng cao giá trị gia tăng sản xuất.

 Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết cần phải giữ lại sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm hiện TP.HCM đang cố gắng vận động doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào TP Thủ Đức. Tại TP Thủ Đức sẽ có một khu tập trung cho tất cả các mảng về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất công nghiệp, gọi là nông trại tầng cao, canh tác sản xuất trên diện tích nhỏ và phát triển theo tầng cao, nhờ đó vẫn đảm bảo sản lượng.

TP.HCM đặt ra mục tiêu và định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, cung cấp giống chất lượng cao cho cả nước, liên kết các tỉnh xây dựng vùng sản xuất giống trọng tâm và ổn định.

Ông Hiệp nhấn mạnh: "Cần xác định rõ mong muốn làm giống là giống cho khu vực, thông qua việc kết nối với các tỉnh thành ở khu vực phía Nam để có giống tốt phục vụ cho bà con".

Liên quan đến vấn đề giống vật nuôi, thành phố cũng đang xem xét lại khối lượng, quy mô chăn nuôi. Lý do là hiện nay quá trình đô thị hóa thành phố đang được đẩy nhanh, việc chăn nuôi vướn mắc nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến các công trình phụ trợ, bất động sản,… TP.HCM cũng đưa ra chính sách hỗ trợ các trang trại tập trung chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.

Thành phố mong muốn nâng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2030, chiếm từ 75% -  85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Đinh Minh Hiệp nhấn mạnh cần chú trong vào quy hoạch, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vùng sản xuất phát triển giống và nông nghiệp công nghệ cao. Bởi lẽ, việc quy hoạch sẽ xác định vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đồng thời tập trung trên 5 đối tượng sản phẩm chủ lực và 1 sản phẩm tiềm năng của ngành nông nghiệp thành phố.

 TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo, cung ứng giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường. Ảnh: Minh Tuấn

Về thực trạng sản xuất nông nghiệp của thành phố, theo ông Hiệp hiện nay nhu cầu về lương thực, thực phẩm của TP.HCM lớn, song năng lực sản xuất vẫn chưa đáp ứng đủ. Sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng được chưa tới 10%, ngay cả sản xuất rau củ cũng chỉ đạt đến 20 - 25%. Nguồn cung cho thành phố hiện nay chủ yếu đến từ các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Xuất phát từ các vấn đề đó, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đề xuất một số nội dung, giải pháp trọng tâm nhằm hợp tác liên kết vùng.

TP.HCM sẽ tập trung vào những vấn đề cốt lõi của chuỗi sản xuất bao gồm: giống, kĩ thuật canh tác, sơ chế bảo quản, xúc tiến thương mại -  đây là những khâu quan trọng để chuyển giao cho các tỉnh thành. Bên cạnh đó, khi các tỉnh triển khai sản xuất nông nghiệp thì tất cả các thành tựu có thể quay về thành phố, qua đó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của TP.HCM. Điều này sẽ tạo nguồn nguyên liệu nông sản tốt để các doanh nghiệp thực hiện chế biến, nâng giá trị sản xuất nông sản từ đó tìm kiếm thị trường nước ngoài để kết nối.

Về mặt công nghệ, cần liên kết hợp tác ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp.

Võ Liên