Phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm tại TP.HCM

Trong 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng.

Sáng 18/10, Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM. Chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Tại hội nghị, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết thời gian qua, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các nhóm sản phẩm nguy cơ cao.

 Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”. (Nguồn: TTĐT Đảng bộ TP.HCM)

Các biện pháp kiểm tra nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá bán, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kết quả đã thanh tra, kiểm tra trong 9 tháng đầu năm 2022 tại 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 12.797kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 7,13 tỷ đồng; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm 2 cơ sở; buộc thu hồi, tiêu hủy 35 sản phẩm.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn 2.039 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; chuyển cơ quan điều tra xử lý 4 cơ sở, và đang tiếp tục xử lý 1 cơ sở, nhắc nhở 1.883 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố.

Đồng thời, thực hiện rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội. Cụ thể, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh. Ban đã phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nên chuyển thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định.

Trong 9 tháng đầu năm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tiến hành hậu kiểm tại chỗ 9.295 hồ sơ tự công bố. Trong đó, có 4.295 hồ sơ đạt (tỷ lệ: 46,21%); có 5.000 hộ sơ có dấu hiệu vi phạm (tỷ lệ: 53,79%). Đối với các hồ sơ hậu kiểm không đạt, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã có kế hoạch giám sát, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo đúng quy định.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết so sánh về công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong giai đoạn 2015-2016 với giai đoạn 2017-2022 cho thấy có sự gia tăng về số cơ sở được thanh kiểm tra nhưng giảm về số cơ sở vi phạm.

Thanh Thảo