Huế thúc đẩy giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thông qua Hue-S

Để đạt được các chỉ tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, địa phương này triển khai giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng Hue-S.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế  phổ biến cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc tiến hành khởi tạo tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử trên Hue-S (hoàn toàn miễn phí).

Khuyến khích triển khai các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt các khoản phí dịch vụ cơ bản như: điện, nước, điện thoại... qua ví điện tử trên Hue-S. Sớm hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong khối cơ quan hành chính nhà nước. Rà soát các hoạt động có phát sinh tài chính thuộc ngành, đơn vị, địa phương quản lý phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp lên Hue-S.

 Ảnh: Hue-S là nền tảng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với tiện ích mới này, hiện người dùng nền tảng Hue-S không cần cài nhiều app mà chỉ cần dùng nền tảng này là có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến của nhiều ngân hàng. Cùng với đó, trên Hue-S cũng cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến cho nhiều dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.

Cùng với việc tích hợp ví điện tử, nền tảng Hue-S cũng đã và đang triển khai các chính sách bảo vệ người dùng. Khi triển khai các dịch vụ, tiện ích trên nền tảng, với những vấn đề phát sinh khó xử lý, đội quản lý vận hành sẽ tích cực làm việc với nhà cung cấp giải pháp đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dùng. Đặc biệt, với những người dùng chưa có kỹ năng tốt trong giao dịch điện tử, Hue-S sẽ đóng vai trò hỗ trợ và làm thay nếu người dùng có nhu cầu.

Theo đó, Đại học Huế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình thúc đẩy mở ví điện tử trên Hue-S trong cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên thuộc Đại học Huế. Nghiên cứu phương án tích hợp các khoản thanh toán học phí và các khoản thanh toán khác đối với sinh viên lên Hue-S.

Công an tỉnh khuyến khích các lực lượng trong ngành sử dụng ví điện tử trên Hue-S nhằm đồng hành thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giải pháp nộp phạt trực tuyến qua ví điện tử trên Hue-S.

Bệnh viện Trung ương Huế khuyến khích cán bộ, viên chức và người lao động toàn ngành sử dụng ví điện tử trên Hue-S để thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm đồng hành thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp giải pháp thanh toán viện phí lên Hue-S.

Ngoài ra, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… tích hợp khởi tạo tài khoản ví điện tử trên Hue-S nhằm thực hiện các khoản thanh toán, nộp phí, thuế, lệ phí, nộp phạt trực tuyến,...

Mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S hiện đã trở thành niềm tự hào của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai CĐS. Theo số liệu giám sát của Bộ TT&TT, Hue-S hiện đã có gần 800.000 lượt tải, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 35 phút mỗi người/1 ngày. Tính riêng năm 2021, đã có hơn 17,4 triệu lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp các dịch vụ.

Phan Hòa