Bản quyền trên không gian mạng và bài học từ vụ Wolfoo

(SHTT) - Thời gian qua ở Việt Nam có không ít doanh nghiệp phải chật vật để đòi lại thương hiệu, nhãn hiệu, bảo vệ quyền tác giả bị xâm phạm, tranh chấp ở thị trường nước ngoài. Đây cũng chính là những bài học dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

 Nền kinh tế số đang mở ra rất nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp (DN) Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị cao như game, phim hoạt hình, âm nhạc… Tuy nhiên trong quá trình phát triển các doanh nghiệp tham gia trong nền kinh tế Internet đang gặp phải những thách thức lớn. Mặc dù hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ khá đầy đủ như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế, hội nhập sâu rộng song thực tế trên Internet thì rất khó áp dụng các chính sách này cho các chủ thể ở nước ngoài. Cụ thể, thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các DN Việt trên không gian mạng.

Dẫn chứng là vụ tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa Sconnect Việt Nam sở hữu bộ phim hoạt hình và bộ nhân vật chú sói Wolfoo với Peppa Pig của EO (Entertainment One) thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nội dung số.

 

Ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập, CEO của Sconnect- đơn vị kinh doanh trên nền tảng YouTube, cho biết Sconnect đã có chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Việt Nam và Mỹ (với 20 nhân vật). Sconnect cũng đăng ký nhiều nhãn hiệu Wolfoo tại Việt Nam, Nga, Mỹ và EU từ nhiều năm trước đây.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 tới nay, EO liên tục có hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với Sconnect như: đánh bản quyền không có căn cứ; đánh bản quyền bằng căn cứ không hợp pháp; đánh bản quyền bằng chính nội dung Wolfoo của Sconnect và sử dụng nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig. Tính đến nay, đã có hơn 1.300 video bị YouTube gỡ bỏ với lý do: Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig.

Câu chuyện của Wolfoo và Sconnect trên đây là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng bản quyền sở hữu trí tuệ của DN số Việt Nam đang bị ăn cắp trắng trợn trên môi trường mạng hay mở rộng hơn là trong nền kinh số. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam có hành lang pháp lý cho những vấn đề tương tự nhưng lại rất khó áp dụng đối với các nền tảng xuyên biên giới. Không chỉ vậy, chúng ta đã chưa có những công cụ thực sự hữu hiệu để đối phó với vấn nạn này nhằm bảo vệ DN trong nước trên không gian số.

Đã đến lúc cơ quan quản lý trong nước cần hoàn thiện sớm quy định pháp luật cũng như cơ chế áp dụng phù hợp với nền kinh tế số, thông qua đó áp dụng hiệu quả ngay cả với chủ thể là DN nước ngoài. Đồng thời tăng cường ký kết hiệp ước pháp lý với các quốc gia khác nhằm đảm bảo quy định của pháp luật Việt Nam cũng có giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong phạm vi bản quyền sở hữu trí tuệ, ông Tạ Mạnh Hoàng đề xuất.

 

Ông Võ Thanh Hải - CEO Viettel Media cũng cho rằng việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam là một bài toán tương đối nhức nhối. Các DN, đặc biệt là DN mới, startup, nguồn lực thực hiện chưa có, trong khi kinh phí lớn, nếu không có sự chung tay của cơ quan quản lý sẽ rất khó. Các vi phạm truyền thống như website lậu không thể quản lý được. Trang web này đóng, nội dung sẽ được đưa lên trang khác.

“Về mặt giải pháp, tôi nghĩ không phải khó. Ngoài việc phát hiện thủ công, chúng ta có giải pháp phát hiện bằng máy rất nhanh. Song, việc chặn domain, website lậu chưa có cơ chế thật chặt chẽ và nhanh chóng, hiệu quả để thực thi được. Nếu chặn được những đối tượng này một cách hiệu quả, môi trường về mặt kinh doanh tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều, giúp cho nền kinh tế nói chung. Khi chúng ta thực thi được triệt để các công ước quốc tế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ cải thiện nhiều” – ông Hải nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, khẳng định nhãn hiệu là một trong những đối tượng bị xâm phạm nhiều trên Internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, doanh nghiệp phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại những thị trường đó. “Khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần chú trọng đến việc bảo vệ mình. Các doanh nghiệp, startup có nguồn lực hạn chế nhưng nếu không tính đến những yếu tố cạnh tranh, nhất là về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu, thì chỉ cần một vụ việc về pháp lý, chúng ta sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động”, ông Hồng nói.

Theo các chuyên gia, với các doanh nghiệp nhỏ, các startup có nguồn lực chỉ vài chục người thì việc dính dáng pháp lý, tham gia những vụ kiện xâm phạm quyền là rất khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng bảo vệ bản quyền, phải đăng ký ngay từ đầu ở cả quốc tế, đã đầu tư phát triển sản phẩm thì phải đăng ký bản quyền để khi tranh chấp có cơ sở giải quyết dễ dàng, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Minh Châu