Triệt phá cơ sở sản xuất bột ngọt giả số lượng lớn tại Tây Ninh

(SHTT) - Chiều 6/8, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết đơn vị vừa phát hiện một địa điểm sản xuất bột ngọt giả, thu giữ gần 500 bao nguyên liệu và bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra kho chứa hàng do ông Nguyễn Văn Lũy (sinh năm 1988) và bà Đặng Hồng Châu (sinh năm 1988), ở tổ 5, khu phố Gia Lâm, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh làm chủ.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện các công nhân đang tiến hành pha trộn 100 bao bột ngọt, bao bì in hình 2 con tôm đỏ, có chữ nước ngoài (loại 25 kg/bao) và 2 bao muối loại 50 kg/bao để tiến hành xay đóng thành 104 bao bột ngọt thành phẩm, bán ra thị trường tiêu thụ.

Tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ 41 bao muối, 331 bao bột ngọt chưa pha trộn và 104 bao bột ngọt thành phẩm; 1 máy trộn, xay; 1 bàn cân; 1 máy may bao.

Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Liên quan đến vấn đề bột ngọt giả, lực lượng chức năng cũng đã từng triệt phá nhiều vụ quy mô lớn.

Vào đầu năm 2022, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Công an thành phố Biên Hòa và một số huyện đã tiến hành kiểm tra, phát hiện điểm sản xuất hàng giả lương thực, thực phẩm quy mô lớn tại số nhà 1546E, ấp Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai do bà Vũ Thị Hoa, sinh năm 1977, quê Nam Định, thường trú tại xã Phú Cường, làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trong nhà bà Hoa có một số lượng hàng hóa có dấu hiệu làm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như: bột giặt hiệu Omo, Net, dầu ăn, mỳ tôm, các loại nước giải khát, bột ngọt, nước mắm, giấy vệ sinh, 2 máy ép nhiệt dùng để đóng gói sản phẩm và hàng trăm loại bao bì giả các nhãn hiệu bột ngọt trên thị trường.

Qua đấu tranh, bà Hoa khai nhận toàn bộ số hàng hóa hơn 2 tấn tại nhà không có hóa đơn chứng từ mua bán và nguồn gốc xuất xứ.

Số hàng hóa nói trên mua tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đưa về pha trộn, đóng gói, làm giả các thương hiệu trên thị trường rồi đưa đi tiêu thụ tại địa bàn các huyện Định Quán, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Khám xét tại những điểm kiểm tra, lực lượng Công an thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và nhiều phương tiện dùng để đóng gói, bao bì, nhãn mác để xản xuất hàng giả.

Trước vấn nạn trên, các chuyên gia khuyến cáo khi mua và sử dụng bột ngọt giả, trước mắt, người tiêu dùng đã bị mất tiền oan, nếu không đảm bảo về mặt An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cơ thể như gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Nếu như có các chất độc hại sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan thận của cơ thể.

Bên cạnh đó, việc sử dụng bột ngọt giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, không bảo đảm ATVSTP, về lâu dài sẽ dẫn tới việc chất độc hại tích tụ trong cơ thể và gây ra các bệnh mạn tính…

Không riêng bột ngọt, tất cả các loại phụ gia nếu không có tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP thì không được sử dụng trong thực phẩm, người tiêu dùng nên mua bột ngọt ở những cửa hàng có uy tín, bên cạnh đó nên tìm hiểu nhãn mác, tem bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng sản phẩm.

Minh Hà