An Giang: Triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả

(SHTT) - Công an thành phố Long Xuyên (An Giang) cho biết, đang tạm giữ hình sự Vương Mạnh Giác (sinh năm 1976, trú tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ), về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật”.

Qua tin báo của người dân, Công an TP. Long Xuyên phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang tiến hành kiểm tra hành chính căn nhà số 30/37, thuộc tổ 35, khóm Đông Thạnh, phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) do Vương Mạnh Giác thuê ở và phát hiện nhiều chai thuốc bảo vệ thực vật.

Cụ thể, kiểm tra thực tế, phát hiện Giác đang đưa lên xe ô tô hai thùng xốp bên trong có chứa 80 chai thuốc bảo vệ thực vật hiệu Filia và 40 chai thuốc bảo vệ thực vật hiệu Amistar top.

Làm việc với cơ quan công an, Giác thừa nhận số thuốc trên là thuốc giả do Giác sản xuất, chuẩn bị chuyển lên xe giao cho khách thì bị bắt quả tang.

 

Tiếp tục tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ Vương Mạnh Giác thuê ở, lực lượng Công an phát hiện, tạm giữ 1 xe ô tô biển kiểm soát 61P – 0476, 232 chai thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm giả, dán nhãn hiệu của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, cùng nhiều chai, nắp nhựa, tem nhãn và các công cụ, đồ dùng để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả. 

Hiện vụ việc đang được lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Long Xuyên tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Có thể thấy, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ cây trồng, ngăn chặn dịch hại, cải thiện năng suất. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả mạo gây hệ luỵ rất lớn cho môi trường, sức khoẻ cộng đồng và đe doạ sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

Lâu nay, việc thuốc bảo vệ thực vật giả trôi nổi trên thị trường vẫn là một vấn đề nhức nhối của ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, môi trường và cả nông dân.

Ví dụ, trộn chất cấm vào thuốc bảo vệ thực vật giả không khác gì đổ chất độc hại xuống ruộng đồng, làm ảnh hưởng rất xấu đến môi trường sinh thái. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật giả thường có giá rẻ hơn, chiết khấu cao hơn nên cạnh tranh trực tiếp với “hàng thật”.

Ngoài ra, do dùng thuốc giả, cỏ không chết, sâu không trừ được, khiến người nông dân tiền mất tật mang vì năng suất sản lượng thấp.

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bị ảnh hưởng bởi hàng giả, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng bị vạ lây bởi vấn nạn này.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào các thị trường quốc tế, nông sản phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của đối tác, trong đó đặc biệt quan trọng nông sản không được tồn dư các chất cấm trong danh mục. Vì thế, nhiều lô hàng có nguy cơ bị trả về hoặc tiêu hủy, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ngay cả khi các doanh nghiệp xuất khẩu biết rõ vấn nạn này và xây dựng vùng trồng đạt chuẩn với nông dân để tránh rủi ro, việc để lọt các lô hàng kém chất lượng vẫn khó tránh khỏi. Lý do là bởi, nhiều đơn vị sản xuất cố tình cho chất cấm vào thuốc bảo vệ thực vật dù thành phần không ghi, còn nông dân không thể biết thuốc có chứa chất cấm.

Siết chặt lại việc cấp phép kinh doanh các loại hóa chất trong nông nghiệp, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đối tượng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, nâng cao ý thức của nông dân… là những biện pháp cần phải đẩy mạnh. Nhưng ai cũng hiểu nói và làm, hiệu quả ra sao là cả một quá trình…

Minh Tú