Dior bị tố đạo nhái trang phục truyền thống Trung Quốc: Sự thật ra sao?

(SHTT) - Thương hiệu Dior đang là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong giới thời trang những ngày qua do liên quan đến ồn ào đạo nhái. Một trong những chiếc váy trong bộ sưu tập Thu Đông 2022 của hãng đã bị tố sao chép chiếc váy mã diện truyền thống của Trung Quốc.

Thương hiệu thời trang Pháp Dior hiện đang gây tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội khi một số người yêu thích Hán phục cáo buộc thương hiệu này sao chép thiết kế váy mã diện truyền thống của Trung Quốc, trang phục truyền thống của phụ nữ thời Minh, trong bộ sưu tập mùa thu 2022 mà không nói rõ nguồn cảm hứng. 

Dior miêu tả trên phần giới thiệu về chiếc váy này là “chiếc váy midi mang dáng vẻ cổ điển của Dior, được tái hiện lại với nét thanh lịch, hiện đại”. Trong khi đó, xét về cấu trúc, chiếc váy có nhiều điểm tương đồng với váy mã diện. Váy mã diện có cấu tạo mặt trước và mặt sau phẳng, xếp ly ở hai bên, phần eo cố định bằng thắt lưng. Chiếc váy này được ghi nhận sớm nhất ở Trung Quốc từ thời nhà Tống (960-1279) và triều đại Liêu (916-1125), trước khi trở nên phổ biến trong thời nhà Minh (1368-1644).

Chiếc váy gây tranh cãi của Dior 

“Mã diện” có nghĩa là “ mặt ngựa”, tuy nhiên cái tên này không có ý ám chỉ chiếc váy có hình dáng như mặt ngựa, mà mặt ngựa thật ra là cấu trúc một kiểu phòng tuyến từ thời xa xưa của Trung Quốc, với phần phòng thủ được thi công chòi ra bên ngoài bức tường thành. Một học giả thời Minh dựa vào sự tương đồng trong cấu trúc váy nên đã đặt tên cho những phần hình chữ nhật trên váy (váy có 4 hình chữ nhật như vậy, gọi là 4 cửa) là mã diện.

Khi trải phẳng ra, chiếc váy được cấu tạo từ 3 phần: quần môn (hay váy cửa), và bốn phần cửa váy. Váy mã diện thoạt nhìn có thể tưởng là một mảnh vải quấn quanh cơ thể, nhưng thực tế, đó là hai mảnh vải được may ghép vào một miếng đai quấn quanh lưng. Phần trên của váy thường là một chiếc áo vạt dài, cổ đứng hay còn được biết đến là áo Quan Thoại. Chiếc váy này cực kì phổ biến trong các bức tranh vẽ phụ nữ ở hậu kỳ thời nhà Minh. Đặc điểm có thể tách tà của chiếc váy này cũng giúp cho người mặc dễ dàng hơn trong việc cưỡi ngựa vào thời đó.

Váy được ưa chuộng vào thời Minh bởi cả hoàng hậu và các phụ nữ thường dân. Tùy thuộc vào địa vị, tầng lớp hay các dịp lễ khác nhau mà màu sắc, hoa văn sẽ khác nhau.

Mối quan tâm chính của người yêu thích Hán phục lúc này là với tầm ảnh hưởng toàn cầu của Dior, người tiêu dùng sẽ coi nó như chiếc váy nguyên bản của hãng, trong khi, váy mã diện của Trung Quốc sẽ bị một số người không quen thuộc với văn hóa Trung Quốc coi là “hàng nhái”.

Một số người khác coi vấn đề này là “giao lưu văn hóa” hơn là bắt chước. Họ nói rằng vấn đề này là một bài học mà người Trung Quốc nên rút kinh nghiệm để trong tương lai sẽ đầu tư hơn nhiều để quảng bá văn hóa của chính mình.

Đây không phải là lần đầu Dior vướng vào tranh cãi ở Trung Quốc. Vào tháng 11/2021, thương hiệu gây chú ý khi đăng tải bước ảnh của nhiếp ảnh gia Trung Quốc Trần Mạn. Người mẫu xuất hiện với đôi mắt một mí, làn da ngăm đen mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc và cầm chiếc túi Dior. Dior bị cáo buộc bôi nhọ phụ nữ Trung Quốc. Trong khi Trần Mạn bị phê phán gu thẩm mỹ méo mó, làm xấu hình ảnh người châu Á để phục vụ cho định kiến của người phương Tây.

Hà Vân