Gian nan giữ nghề mây tre đan trên đất Bảo Lộc

Khi công nghiệp ngày một phát triển ở các thành phố lớn, thu hút nguồn lao động từ nông thôn, ngày càng ít người ở lại quê nhà để theo nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề mây tre đan.

Nghề mây tre đan đòi hỏi người lao động tảo tần sớm khuya nhưng thu nhập lại ít ỏi, đầu ra sản phẩm thủ công lại bị cạnh tranh mạnh bởi các đồ dùng làm từ nhựa, gỗ, nhôm sắt… Nghề thủ công này đang chịu sức ép lớn về thị trường, cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực. Hệ luỵ là nghề đang dần bị mai một ở nhiều xã, phường tại TP Bảo Lộc.

Nghề truyền thống dần mai một

 Anh Vũ Ngọc Long đang chuẩn bị tre để làm nong nuôi tằm tại phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc

Gia đình anh Vũ Ngọc Long (SN 1968) tại phường Lộc Tiến có hơn 30 năm trong nghề. Ngày trước ba mẹ của anh Long mang nghề này từ ngoài Bắc vào cao nguyên lập nghiệp. Hiện nay, cả phường Lộc Tiến cũng chỉ có vợ chồng anh Long còn nhận làm đồ dùng từ mây, tre, giang. Những năm trở lại đây, khách hàng chỉ đặt các đơn hàng lẻ tẻ, chủ yếu là “cái nong, nia” để nuôi tằm nên công việc đan lát cũng ngày một khó khăn hơn.

Để tồn tại, gia đình anh Long đang làm song song hai nghề, vừa đan vừa trồng chè, cà phê. Khi nguyên liệu ngày càng xa và cạn kiệt, mỗi lần đi lấy anh Long phải xuống dưới đèo Bảo Lộc, đi sâu vào rừng mới chặt được những cây tre đủ chuẩn. Đam mê với nghề nên anh không bỏ dù có nhiều khó khăn. Đây cũng là cách anh giữ gìn những kí ức tuổi thơ của mình bởi cây mây, cây tre từng giúp anh có tiền ăn học, cũng nhờ vào đan lát mà ba mẹ già mới có cuộc sống ổn định lúc bấy giờ…

Ông K’ Minh, trưởng thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu chia sẻ: "Thôn Đạ Nghịch còn lưu giữ và sản xuất nhiều món đồ từ mây, tre, giang so với những phường xã khác và phần lớn phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con. Ở đây số đông là người đồng bào dân tộc thiểu số, trung bình cứ năm nhà sẽ có một đến hai người còn đan lát nhưng chủ yếu làm gùi, mẹt, mâm tre. Tùy vào mục đích sử dụng mà món đồ sẽ làm từ cây mây, tre, giang hay cây rừng để kết hợp đảm bảo độ bền đẹp của đồ thủ công.

Ông Nònh đang thao tác hoàn thiện các bước đan gùi từ mây tre tại nhà 

Lưu giữ những kí ức xưa

Hiện nay, người lớn tuổi nhất trong thôn còn nối nghề mây tre đan là ông Nònh (SN 1948). Dù đã lớn tuổi không đủ sức làm nhưng ông Nònh vẫn nhờ con cháu phụ đi lấy nguyên liệu dưới đèo Bảo Lộc về, đan lát mỗi ngày để duy trì được cái nghề mang nét đẹp văn hóa của người dân tộc Châu Mạ tại địa phương. Ông Nònh cho biết: "Các món đồ của ông từ cái tráp, nia, rổ, giỏ, bình cắm không chỉ để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn phục vụ cho hoạt động văn nghệ ca múa và trang trí nhà cửa."

Cách nhà ông Nònh khoảng 500m, nhà ông K’ Yin cũng theo nghề đan mây tre nhưng chỉ làm gùi, mẹt để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 

 Ông K’ Yin đang làm đồ dùng từ tre, tranh thủ sau những giờ đồng án

Ông K’ Yin kể: "Ngày xưa, ông bà cố còn đan vách nhà và thảm trải sàn bằng tre nhưng lúc đó còn nhỏ quá nên tôi không nhớ được. Tôi cũng như những hộ dân theo nghề khác, đều gặp khó khăn ở công đoạn tìm kiếm nguyên liệu ở xa, yêu cầu cây phải già, đốt tre dài mới đủ độ đan. Tôi cố gắng giữ nghề để sau này có cái làm kỷ niệm cho con cháu."

 Sản phẩm từ mây tre đan tại TP Bảo Lộc

Nghề đan mây tre từng rất thịnh nhưng hiện nay đã mai một dần.

Đặng Hà