Phát hiện 450 ca nhiễm bệnh bắt nguồn từ ngũ cốc Lucky Charms

(SHTT) - Ngũ cốc Lucky Charms đã nhận được hơn 3.000 đơn khiếu nại trên khắp nước Mỹ trước tình trạng hàng loạt người tiêu dùng có dấu hiệu ngộ độc sau khi sử dụng sản phẩm này. Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

 Lucky Charms là hãng ngũ cốc nổi tiếng tại Mỹ, do tập đoàn General Mills sản xuất

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chỉ trong vòng một tuần kể từ ngày 20/4, số lượng ca nhiễm bệnh liên quan đến ngũ cốc khô đã tăng gần gấp đôi, từ 231 trường hợp lên 446 trường hợp. Mặc dù không chỉ đích danh loại ngũ cốc gây ra tác dụng phụ nhưng FDA từng xác nhận với trang Food Safety News rằng, họ đang điều tra đợt bùng phát dịch bệnh bắt nguồn từ ngũ cốc Lucky Charms.

FDA cảnh báo các sở y tế của tiểu bang và địa phương phải đặc biệt lưu ý về đợt bùng phát này và yêu cầu hỗ trợ điều tra rõ nguyên nhân. 

Bộ Y tế Ohio thông báo các triệu chứng nhiễm bệnh bao gồm buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

General Mills, có trụ sở chính tại Minneapolis, Minnesota, là nhà sản xuất ngũ cốc Lucky Charms, Cheerios và một số sản phẩm khác. Công ty khẳng định họ đã tiếp nhận và sẽ xem xét các báo cáo một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cuộc điều tra nội bộ cho thấy không bằng chứng nào chứng minh ngũ cốc Lucky Charms gây bệnh cho người tiêu dùng.

Phát ngôn viên của General Mills cho biết công ty luôn khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ trực tiếp thông tin trực tiếp về mối lo ngại của họ.

Trong những tuần gần đây, có hàng trăm báo cáo tương tự trên iwaspoison.com, trang web thu thập báo cáo người tiêu dùng về bệnh lây truyền từ thực phẩm. Nhà điều hành trang web, ông Patrick Quade đã làm việc với các sở y tế của tiểu bang và địa phương nhằm giải quyết vấn đề này.

 Các bệnh lây truyền từ thực phẩm ngày càng phổ biến

Theo nguồn tin khác, FDA buộc phải kết thúc cuộc điều tra về đợt bùng phát Salmonella Saintpaul mà không xác định được nguồn gốc của mầm bệnh. Báo cáo gần đây nhất ghi nhận 60 trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella. FDA chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào về các bệnh nhân, kể cả nơi sinh sống của họ. Mặc dù tổ chức đã nỗ lực truy vết nhưng không thể thu thập đủ thông tin để kiểm tra tại chỗ hoặc lấy mẫu xét nghiệm.

Hai đợt bùng phát khác liên quan đến nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes vẫn đang được điều tra. 

Đối với đợt bùng phát Listeria lần đầu tiên được công bố vào ngày 9/2, FDA đã xác định 17 trường hợp nhiễm bệnh và bắt đầu truy vết nguồn gốc, kiểm tra tại chỗ, cũng như thu thập mẫu và xét nghiệm. Tuy nhiên, nguyên nhân bùng phát chưa được xác định.

Đợt bùng phát Listeria tiếp theo vào ngày 13/4 ghi nhận 19 bệnh nhân. Giống như lần bùng phát đầu tiên, trước những nỗ lực tìm hiểu của FDA, nguồn gốc mầm bệnh vẫn còn là một ẩn số.

Bên cạnh đó, FDA đang tiến hành các cuộc điều tra khác, bao gồm bùng phát vi-rút Noro liên quan đến hàu tại Canada. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đang hỗ trợ cuộc điều tra. Báo cáo mới đây ghi nhận 103 ca nhiễm bệnh trải khắp 13 tiểu bang. 

Các trường hợp ngộ độc thức uống dinh dưỡng thay thế bữa ăn, hay nhiễm bệnh từ vi khuẩn Coronobacte trong sữa công thức do Abbott Nutrition sản xuất, cũng rất đáng lưu ý. 

FDA đã nhanh chóng tiến hành thu hồi tất cả các sản phẩm gây ra mầm bệnh.

Có lẽ, thị trường thực phẩm đang gây ra mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu. FDA thực sự cần phải nỗ lực hơn nữa khi số trường hợp nhiễm bệnh lây truyền từ thực phẩm không ngừng gia tăng.

Thu Nga