NASA phát hiện 'Hố đen khổng lồ', mắt xích quan trọng trong bí ẩn thiên hà

(SHTT) - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), gần đây đã xác định được một "hố đen khổng lồ" mang tên GNz7q hình thành vào khoảng 750 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.

Được biết, NASA đã thu được bằng chứng cho thấy hố đen GNz7q phát triển rất nhanh và là một “mắt xích quan trọng” trong vũ trụ sơ khai. 

Cụ thể, kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đã tìm thấy GNz7q ở trung tâm của một trường bầu trời được nghiên cứu kỹ lưỡng được gọi là trường Bắc của Hubble GOODS. 

 Ảnh đồ họa mô tả “hố đen khổng lồ” được bao quanh bởi các bụi vật chất tại trung tâm thiên hà

Seiji Fujimoto, nhà thiên văn học tại Viện Niels Bohr thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch), cho biết GNz7q là ví dụ đầu tiên về một lỗ đen khổng lồ, tiền thân của các lỗ đen siêu trọng được biết đến trong vũ trụ.

Theo ông Seiji Fujimoto “Các đặc tính của vật thể trên phổ điện từ hoàn toàn phù hợp với các dự đoán từ các mô phỏng lý thuyết”.

Theo thông tin từ NASA, các lý thuyết hiện tại dự đoán lỗ đen siêu trọng được sinh ra tại trung tâm của các thiên hà siêu sinh sao - hay còn gọi là thiên hà "starbust" - một khi đã tồn tại đủ lâu, các hố đen này sẽ thải bớt lớp bụi vật chất và khí ga ra, để lộ phần trung tâm của chúng là một chuẩn tinh - thuật ngữ cho các thiên thể cực xa và cực sáng.

  Hình ảnh thực tế của hố đen GNz7q khoanh trong ô vuông vàng

Nhóm nghiên cứu thông báo mặc dù điều này cực hiếm, nhưng cả thiên hà siêu sinh sao và chuẩn tinh phát sáng đều đã được phát hiện trong vũ trụ sơ khai. Do đó, nhóm nghiên cứu tin rằng GNz7q có thể là một "liên kết còn thiếu" giữa hai lớp vật thể vì nó có chính xác cả hai khía cạnh của thiên hà siêu sinh sao và chuẩn tinh.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm kiếm những vật thể tương tự với sự trợ giúp của Kính viễn vọng Không gian James Webb mới được phóng của NASA.

Hải Yến