Hậu quả nghiêm trọng từ vấn nạn buôn lậu xăng dầu

(SHTT) - Trong 1-2 năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 phức tạp, cũng như giá xăng dầu có sự biến động lớn, các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây nhập lậu xăng dầu, thậm chí pha chế xăng dầu.

 Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2021, lực lượng Quản lý Thị trường cả nước kiểm tra hơn 2.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xử lý 240 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn tám tỷ đồng. Lý do dẫn đến tình trạng buôn bán xăng dầu giả, vận chuyển trái phép xăng dầu lậu vẫn có “đất sống" vì một phần do xăng dầu hiện đang là mặt hàng chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau, với tỷ lệ chiếm tới 32% giá bán lẻ xăng dầu. Ðiều này đã kích thích các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào trong nước nhằm trục lợi.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu, than trên thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, than tăng giảm thất thường và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Do tác động từ bên ngoài, ở trong nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng xăng dầu còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường. 

Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, được quản lý theo diện kinh doanh có điều kiện. Nếu không có cán bộ tha hóa, mờ mắt trước đồng tiền và vật chất, đứng ra bảo kê, tiếp tay thì các ông trùm xăng lậu không thể tung hoành, tiêu thụ xăng dầu lậu dễ dàng, rộng khắp các tỉnh thành. Buôn lậu xăng dầu có lợi nhuận vô cùng lớn, cũng vì thế, nếu không mua chuộc được thì sẽ gây sát thương, cho đến việc dùng tiền, vật chất để mua chuộc các cán bộ chất phác. Các ông trùm xăng lậu đã không từ thủ đoạn, mánh khóe để đạt được mục đích cuối cùng là thẩm lậu xăng dầu vào nội địa tiêu thụ.

 

Có thể thấy việc buôn lậu xăng dầu, xăng giả không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, mà ngay cả người dân, các doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu hợp pháp cũng bị ảnh hưởng lớn. Dù vậy đến nay công tác phòng, chống buôn lậu mặt hàng này vẫn chưa được đặt xứng tầm và mang lại hiệu quả cao.

Vì vậy, việc chống buôn lậu xăng dầu cần phải có cách làm mới, thường xuyên và triệt để hơn. Không phải cứ mỗi khi giá xăng dầu có biến động lớn, các lực lượng chức năng mới đồng loạt ra quân khiến hoạt động chồng chéo thậm chí cản trở lẫn nhau, nhưng sau đó gần như bị bỏ quên.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; yêu cầu xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn mình quản lý... 

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tăng cường quản lý nhập khẩu than, dầu; nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị: Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Giao thông vận tải về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển trái phép xăng dầu, than.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai kế hoạch, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức, kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) từ khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào các địa bàn nội địa; kiên quyết từ chối vận chuyển trái phép xăng dầu, than.

Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển đặc biệt là các loại xăng dầu, than tại đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu.

Minh Anh