Phân bón kém chất lượng: Câu chuyện không hồi kết và hệ lụy với nền nông nghiệp

(SHTT) - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành Thông báo số 503/BVTV-TTPC, công bố việc xử phạt 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Đây là một trong những động thái mạnh tay giúp phát triển nền nông nghiệp.

Trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, do xung đột Nga - Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã. Chỉ trong hơn một năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi.

Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

 

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, tình hình kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Trước tình hình trên, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng tại Trung ương, địa phương kiểm tra một số hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

Theo đó, các đơn vị phát hiện có 44 cơ sở nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng, 9 cơ sở sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.

Bên cạnh đó, cơ quan liên ngành còn phát hiện 11 cơ sở nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nội dung ghi nhãn.

Những công ty nhập khẩu phân bón kém chất lượng gồm: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại hóa chất An Phú (quận Tây Hồ); Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Cường Anh (quận Long Biên); Công ty TNHH Nông Việt (quận Long Biên); Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu VNT (huyện Đông Anh); Công ty Cổ phần hóa chất và công nghệ Hà Nội (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Gemachem Việt Nam (quận Long Biên).

Đối với nhóm nhập khẩu thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng gồm: Công ty TNHH Quốc tế Hóa sinh Thụy Sĩ (quận Cầu Giấy); Công ty TNHH Hóa Nông HBR (quận Nam Từ Liêm); Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bản Việt (quận Hà Đông).

Còn đối với nhóm sản xuất, buôn bán thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, vi phạm nhãn gồm: Công ty Cổ phần hóa sinh Việt Mỹ (huyện Thanh Oai); Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Đức (quận Nam Từ Liêm); Công ty TNHH Nông nghiệp Hà Anh (quận Hoàng Mai); Công ty Cổ phần hóa nông miền Bắc (quận Hoàng Mai); Công ty Cổ phần hóa nông AMC (quận Thanh Xuân); Công ty TNHH TCT Hà Nội (quận Hoàng Mai); Công ty Cổ phần Agrifarm Việt Nam (quận Nam Từ Liêm).

Có thể thấy, phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Cục Bảo vệ thực vật dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp.

Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...

Minh Hà