Lùm xùm tại Hội người mù tỉnh Thanh Hóa: Tỉnh có thực sự quyết tâm xử lý và tiếng nói của người trong cuộc?

(SHTT) - Mới đây, TƯ Hội Người mù Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo Sở, Ngành chuyên môn giải quyết vụ việc lùm xùm, sai phạm tại Hội người mù (HNM) tỉnh Thanh Hóa. Dư luận mong chờ quyết tâm thực sự để giải quyết dứt điểm các vấn đề ung nhọt bấy lâu nay.

Quyết tâm của TƯ Hội, tỉnh Thanh Hóa

Những lùm xùm, sai phạm xảy ra tại Hội người mù (HNM) tỉnh Thanh Hóa những năm qua được thể hiện rõ qua hai văn bản chính: Kết luận số 221/KL-SNV ngày 16/5/2019 của Sở Nội vụ Thanh Hóa “Về nội dung tố cáo ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch Hội người mù tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh hội theo Công văn số 933/UBND-TD ngày 22/01/2019 và Công văn số 2635/UBND-VX ngày 08/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh”; Bản án số 197/2021/HSST ngày 25/11/2021 của TAND tỉnh Thanh Hóa về Tội tham ô tài sản, xử: Nguyễn Thị Hồng – Kế toán HNM tỉnh Thanh Hóa, 16 (Mười sáu) năm tù. Số tiền bị tham ô lên tới hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, những bất cập, lùm xùm, sai phạm khác (kể cả văn hóa ứng xử của Lãnh đạo – đảng viên với nhân viên – đồng chí) còn được nêu trong các đơn kiến nghị, phản ánh Hội viên gửi TƯ HNM Việt Nam, Lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa.

Điều khiến dư luận, nhất là hội viên HNM tỉnh Thanh Hóa quan tâm là, với những vi phạm đã xảy ra, liệu tỉnh đã kịp thời giải quyết dứt điểm các sai phạm của các tập thể, cá nhân hay chưa, trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, tôn trọng người mù, hay còn chậm trễ, nấn ná, hoặc bao che (Xử lý về mặt Đảng, hành chính theo kiến nghị tại Kết luận số 221/KL-SNV ngày 16/5/2019 của Sở Nội vụ Thanh Hóa và bản án số 197/2021/HSST ngày 25/11/2021 của TAND tỉnh Thanh Hóa).

Tháng 12/2021, TƯ HNM Việt Nam đã chủ động gửi công văn đề nghị làm việc với phía tỉnh Thanh Hóa. Tại buổi làm việc ngày 13/01/2022, TƯ HNM đã kiến nghị với tỉnh 9 nội dung, trong đó nhấn mạnh tới việc phải kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm. Để đảm bảo độ chính xác, TƯ HNM đã có văn bản số 21/HNM-TCHC ngày 17/01/2022 V/v Đề nghị làm rõ một số nội dung tại buổi làm việc ngày 13/01/2022 gửi Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa.

 
 
 

Về phía địa phương, tháng 12/2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản giao các cơ quan chuyên môn nhiệm vụ giải quyết các lùm xùm, sai phạm xảy ra tại HMN tỉnh Thanh Hóa, cụ thể là ở Tỉnh hội.

 
 

Trả lời phóng viên, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này đã cử Ban Kiểm tra và đơn vị này đang thực hiện kiểm tra đối với Chi bộ HNM tỉnh, khi nào có kết quả sẽ thông tin báo chí. Trước đó, PV muốn xác minh thông tin về việc thực hiện kiến nghị theo Kết luận số 221/KL-SNV ngày 16/5/2019 của Sở Nội vụ Thanh Hóa.

Dù có thể muộn, nhưng sự vào cuộc của TƯ HNM và phía tỉnh là rất cần thiết. Hơn lúc nào hết, HNM – Hội đặc thù, cần sự hỗ trợ của các thiết chế khác để giải quyết dứt điểm các vấn đề ung nhọt bao năm nay mà bản thân Hội không thể giải quyết nổi, vì có liên quan đến lãnh đạo, đó là Chủ tịch Hội.

Hội viên – Nạn nhân – Người trong cuộc, họ muốn gì?

Phỏng vấn lãnh đạo 6 huyện, thành, thị Hội (sau đây gọi chung là huyện hội), được biết, cả tỉnh Thanh Hóa có hơn 3600 hội viên HNM. Hội viên được hưởng các chế độ chung theo quy định và những chế độ riêng của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, không phải mọi chế độ, qua Tỉnh hội, đều được thực hiện nghiêm túc. Đơn cử như HNM thành phố Sầm Sơn và Bỉm Sơn, bị “loại” ra khỏi hệ thống, họ đã không nhận được gạo mà tỉnh hỗ trợ dịp Tết hàng năm, từ năm 2020 đến nay, cũng như không được hưởng tiêu chuẩn phân bổ điện thoại smart-phone của một tập đoàn cho HNM tỉnh.

PV nói chuyện, hỏi thăm các em học sinh là người mù tại Trụ sở HNM tỉnh Thanh Hóa trong lần khảo sát thực tế.

Đến nay, HNM Sầm Sơn vẫn không hiểu vì sao họ bị “gạt” ra ngoài hệ thống (không được mời tham gia Đại hội HNM tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024, tháng 6/2019). Còn HNM Bỉm Sơn vẫn chưa trở lại, vì Tỉnh hội chưa có văn bản (dù Kết luận số 221/KL-SNV năm 2019 đã yêu cầu Tỉnh hội phải thu hồi, bãi bỏ văn bản 148/TB-HNM ngày 26/6/2017 về việc HNM thị xã Bỉm Sơn không còn trong hệ thống HNM ở tỉnh, vì cho rằng văn bản này không có cơ sở pháp lý).

Về những lùm xùm, sai phạm xảy ra những năm qua tại HNM tỉnh, nhiều lãnh đạo huyện hội không biết tới Kết luận số 221/KL-SNV ngày 16/5/2019 của Sở Nội vụ Thanh Hóa “Về nội dung tố cáo ông Phạm Ngọc Quyết – Chủ tịch Hội người mù tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh hội theo Công văn số 933/UBND-TD ngày 22/01/2019 và Công văn số 2635/UBND-VX ngày 08/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh”.

Một số Ủy viên thường vụ cho biết, từ năm 2019, dù đã đề nghị, nhưng Chủ tịch và Kế toán không thực hiện công khai tài chính. Đây là lý do xảy ra vụ án Tham ô tài sản hơn 2,2 tỷ đồng vừa qua. Một số ủy viên thường vụ cho rằng nhiều văn bản, ví dụ văn bản 201/HNM-TC ngày 14/12/2021, 206/HNM-TC ngày 15/12/2021, họ không được biết, tức là do cá nhân Chủ tịch ban hành, ko phải ý chí của Thường vụ.

Một số lãnh đạo huyện hội cho rằng, HNM là tổ chức đặc thù, các đơn vị có sự độc lập và tự chủ nhất định, cần tăng cường hỗ trợ nhau. Lãnh đạo tỉnh hội không nên can thiệp sâu vào hoạt động của hội cơ sở, tránh tình trạng quan liêu, hành chính hóa, dọa nạt; cho rằng; Hội này là hội của người mù, Hội viên là con người, chứ không phải là con của một lãnh đạo nào mà thể hiện sự hống hách, cửa quyền. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, nhiều thành viên Ban Chấp hành (BCH) họ ngại đấu tranh vì sợ bị Chủ tịch Hội trù dập. Tuy nhiên, cũng cảnh báo, nếu cứ tình trạng này diễn ra, Chủ tịch Hội cửa quyền, hống hách, thì tất yếu sẽ dẫn tới việc tách ra khỏi Tỉnh hội, vì cho rằng những năm qua Tỉnh hội không hỗ trợ được nhiều, nếu không nói là gây lùm xùm.

Mỗi hội viên HNM ở Thanh Hóa được phỏng vấn, ở những chức vụ không giống nhau, đều có những lo lắng, trăn trở riêng. Tuy nhiên, họ cũng có những đề nghị, kiến nghị rất cụ thể, dứt khoát với đồng chí, với TƯ Hội, với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, gồm các nội dung sau:

1) Xốc lại tinh thần, trách nhiệm của BCH, cụ thể là các thành viên. Trong lúc chưa họp được BCH, các thành viên cần đoàn kết, quyết tâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý vi phạm các tập thể, cá nhân. Cần triệu tập họp BCH bất thường, bỏ phiếu tín nhiệm các tập thể, cá nhân lãnh đạo. Việc bỏ phiếu cần có sự giám sát chỉ đạo của Đại diện TW Hội và đại diện phía UBND tỉnh.

2) Đề nghị xử lý nghiêm, dứt điểm, công khai các vi phạm, sai phạm của cá nhân, tập thể.

3) Lãnh đạo tỉnh hội phải tuyên bố trả lại tư cách thành viên đương nhiên của HNM Bỉm Sơn và Sầm Sơn. Việc đơn phương loại 02 đơn vị này ra khỏi hệ thống là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, pháp luật và Điều lệ của HNM Việt Nam. Đồng thời, trả lại tư cách thành viên BCH đương nhiên cho Chủ tịch HNM Sầm Sơn và Bỉm Sơn.

4) Đề nghị thượng tôn pháp luật và tôn trọng tự chủ của mỗi tổ chức Hội (Điều lệ được phê duyệt). Chấm dứt tình trạng hành chính hoá Hội, can thiệp sâu, thái quá với các Hội cơ sở (Huyện hội).

5) Sau khi BCH được kiện toàn, cần thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của BTV, Thường trực, Các Ban, Chủ tịch Hội, cần rõ ràng việc ai có đủ tín nhiệm, năng lực, tiêu chuẩn, đạo đức, thì tiếp tục làm, ai không đủ thì nên nghỉ.

6) Ban thường vụ, Thường trực là Tổ chức cần kiểm điểm rõ trách nhiệm về việc: đảm bảo chế độ hoạt động tập thể, công khai tài chính.

7) Cần làm rõ, những dấu hiệu bất thường, không thống nhất trong kê khai lý lịch của đồng chí Chủ tịch Hội Phạm Ngọc Quyết, cụ thể: có phải là thương binh ¼ như kê khai hay không? Có phải kê khai trong lý lịch Đảng viên là trình độ 7/10, nhưng trong hồ sơ khác lại kê khai 4/10? Vì sao lại có sự khác nhau như vậy? Có dấu hiệu gian dối không?

Từ sự việc nêu trên, kính đề nghị TƯ HNM Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết dứt điểm sự việc, đem trở lại niềm tin và ánh sáng cho người mù ở Thanh Hóa nói riêng, ở cả nước nói chung.

Nhóm PV