Chống hàng lậu, hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Cần ứng dụng công nghệ cao

(SHTT) - Dịch Covid-19 giúp mua hàng hóa bằng hình thức online tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT) "lên ngôi". Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng sàn TMĐT để bán hàng giả, hàng nhái. Vì vậy lực lượng QLTT cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi buôn lậu.

Với sự phát triển của internet, hoạt động thương mại điện tử ngày càng nở rộ. Các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... được ứng dụng để kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... Để chống hàng lậu trên thương mại điện tử, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp quyết liệt hơn.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.

 Chống hàng lậu, hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Cần ứng dụng công nghệ cao

Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web TMĐT, đặc biệt các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội,... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đã xác định nhiệm vụ chính của lực lượng QLTT trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng; kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch TMĐT, trên mạng xã hội, chứ không dừng lại ở việc đi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thương mại theo phương thức truyền thống.

Đồng thời, để chủ động trong công tác phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục QLTT yêu cầu lực lượng QLTT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn TMĐT.

Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Hà Trang